Nghệ An tổ chức Hội thảo kết nối đầu tư, kinh doanh tại thủ đô New Delhi
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dự hội thảo có đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh. Cùng dự có đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An gồm lãnh đạo nhiều sở, ngành, địa phương.
Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ Nguyễn Thanh Hải - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ. Về phía Phòng Thương mại Ấn Độ có ngài Nikhil Kanodia - Chủ tịch miền Bắc, Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC). Cùng dự có đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ và các doanh nghiệp, doanh nhân.
ẤN ĐỘ LÀ ĐỐI TÁC LỚN, ƯU TIÊN HỢP TÁC
Lịch sử quan hệ Việt Nam - Ấn Độ bắt nguồn từ quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo từ hơn 2.000 năm trước và được các lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ Mahatma Gandhi, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gây dựng và vun đắp.
Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ chính thức, dù trải qua những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn được duy trì ngày càng tốt đẹp, tin cậy chính trị cao, tiềm năng hợp tác lớn.
Đặc biệt, từ năm 1992, Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập mối liên kết kinh tế sâu rộng, bao gồm việc thăm dò dầu, nông nghiệp và sản xuất. Tháng 7/2007, mối quan hệ giữa hai quốc gia đã được nâng lên thành "Đối tác Chiến lược" và tiếp tục được nâng lên thành "Đối tác Chiến lược Toàn diện” vào năm 2016.
Những năm qua, hợp tác phát triển giữa tỉnh Nghệ An và các đối tác Ấn Độ đã đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Trên địa bàn Nghệ An hiện có 5 dự án FDI từ Ấn Độ với tổng vốn cam kết gần 39 triệu USD, đứng thứ 8 trong các nước đầu tư nước ngoài, chủ yếu chế biến đá ốp lát và gỗ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2023 giữa Nghệ An và Ấn Độ đạt gần 70 triệu USD.
Tuy vậy, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng của cả hai bên khi từ con số chỉ 200 triệu USD vào năm 2000, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã tăng trưởng ổn định qua các năm.
Theo Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC), trong năm tài chính 2021-2022, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã tăng 27% và đạt 14,14 tỷ USD.
Ấn Độ là 1 trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Ấn Độ và thứ 4 ở Đông Nam Á.
Thời gian gần đây, Nghệ An cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong thu hút FDI. Năm 2023 là năm thành công nhất từ trước tới nay trong thu hút FDI của tỉnh với tổng vốn đăng ký gần 1,5 tỷ USD, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành cả nước; qua đó nâng tổng vốn FDI tính đến hết năm 2023 là 3,85 tỷ USD với 131 dự án từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vì vậy, hội thảo sẽ mở ra các hoạt động tiếp xúc, tạo cầu nối để các doanh nghiệp Ấn Độ đến tìm hiểu, đầu tư tại tỉnh Nghệ An, nhất là vào các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên thu hút và Ấn Độ có thế mạnh, cụ thể như: Công nghiệp sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông; sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô; chế biến dược; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; xây dựng và vận hành hạ tầng cảng biển;...
Phát biểu chào mừng hội thảo, ngài Nikhil Kanodia - Chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ khu vực phía Bắc (ICC) nhấn mạnh: Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất của Ấn Độ ở Đông Nam Á.
Đánh giá Nghệ An đã trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn cho cả doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, ngài Nikhil Kanodia bày tỏ cam kết hỗ trợ để tạo điều kiện cho Nghệ An kết nối với các nhà đầu tư trong các lĩnh vực như: Ô tô, dược phẩm và điện tử… không chỉ trong hội thảo này mà còn trong tương lai.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải đánh giá: Nghệ An là một trong những tỉnh năng động ở miền Trung Việt Nam với hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng tốt, bao gồm khu kinh tế đặc biệt với nhiều ưu đãi.
Hơn nữa, khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, các nhà đầu tư cũng hưởng lợi từ việc có quyền truy cập thị trường ASEAN với 650 triệu người và hơn 60 nền kinh tế lớn trên thế giới với thuế 0% nhờ 15 Hiệp định Thương mại Tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Đại sứ Nguyễn Thanh Hải đồng thời nhận định, Nghệ An đã đưa ra quyết định đúng khi đến Ấn Độ - một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất. Trong năm nay, tăng trưởng kinh tế của đất nước này có thể đạt 7%. GDP của Ấn Độ đứng thứ 5 trên thị trường toàn cầu và sẽ sớm trở thành thứ 3 trong vài năm tới. Ấn Độ là thị trường lớn nhất về dân số, có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dược phẩm, ô tô và nhiều lĩnh vực khác.
Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã có những trao đổi, chia sẻ về mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ; qua đó khẳng định: Nghệ An luôn xem Ấn Độ là một trong những đối tác lớn, quan trọng, ưu tiên hợp tác và phát triển trong hiện tại và tương lai. Cơ hội hợp tác này càng lớn hơn, thuận lợi hơn sau khi hai nước Việt Nam - Ấn Độ nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016.
“Các khuôn khổ pháp lý đã được Nhà nước Việt Nam xây dựng ổn định, minh bạch, thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Ấn Độ, tiếp tục hoạt động, mở rộng quy mô và phát triển lâu dài tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và tỉnh Nghệ An có nhu cầu”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu.
Tỉnh Nghệ An quyết tâm sẽ dành những nguồn lực tương xứng để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư đến từ Ấn Độ.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khẳng định: Tỉnh nỗ lực thực hiện tốt “5 sẵn sàng” (quy hoạch và không gian phát triển; hạ tầng thiết yếu; mặt bằng đầu tư; nguồn nhân lực; hỗ trợ thủ tục cho nhà đầu tư) để đón các doanh nghiệp đầu tư thành công, bền vững, lâu dài tại Nghệ An.
CAM KẾT HỖ TRỢ, THÚC ĐẨY HỢP TÁC VỚI NGHỆ AN
Tại hội thảo, đại diện các hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, doanh nhân Ấn Độ đã xem phim giới thiệu về tỉnh Nghệ An và nghe lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh giới thiệu về chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An. Các chuyên gia từ Bộ Ngoại giao và Phòng Thương mại Ấn Độ cũng đã có những trao đổi, gợi mở thêm vấn đề để thu hút dòng vốn của các doanh nghiệp đến từ nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đầu tư vào Nghệ An.
Ngài C. Raj Shekhar - chuyên trách Bang, Bộ Ngoại giao, Chính phủ Ấn Độ bày tỏ: Tôi rất vui mừng khi chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của đất nước Việt Nam và tỉnh Nghệ An.
“Chúng tôi tại Bộ Ngoại giao cam kết hỗ trợ và thúc đẩy sự hợp tác giữa Nghệ An và các bang Ấn Độ”, ngài C. Raj Shekhar nói và chia sẻ: “Việt Nam được chào đón như một người bạn thân thiết của Ấn Độ. Lãnh đạo huyền thoại Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng lớn cho tất cả người Ấn Độ và là một tên gọi quen thuộc trong mọi gia đình. Tại các bang, chúng tôi có các quan chức điều phối để đồng hành và hướng dẫn các bạn”.
Còn TS. Subhash Goyal - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Du lịch, Hàng không và Dịch vụ lưu trú, Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC) gợi mở, Nghệ An nên tiếp tục ưu tiên phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và đổi mới thúc đẩy giá trị văn hóa của mình.
“Sự tập trung vào giáo dục và đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao cần được thực hiện. Có một phạm vi lớn cho sự hợp tác khởi nghiệp xuyên quốc gia để khuyến khích sự đổi mới tối đa”, ông nói thêm rằng, cần tạo thuận lợi cho các hệ thống ủy quyền visa để khuyến khích đầu tư vốn nhân lực.
Cũng tại hội thảo, Ban tổ chức đã tổ chức diễn đàn theo hướng hỏi đáp và thảo luận. Các doanh nghiệp của Ấn Độ bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao về triển vọng thu hút đầu tư, chi phí sản xuất cạnh tranh, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư cạnh tranh.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và lãnh đạo một số sở, ngành đã trực tiếp trả lời các câu hỏi được các doanh nhân, doanh nghiệp Ấn Độ đặt ra, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, đào tạo nguồn nhân lực.