Tham dự hội thảo có các nhà khoa học: Tiến sĩ Lê Doãn Hợp – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng – Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học Trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.
Hội thảo còn có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu thuộc các cơ quan: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội…
Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Nam Đình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Võ Văn Dũng – Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Thị Mỹ Hạnh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, các huyện, thành, thị.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết: Năm 2023, chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam được triển khai trong cả nước.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam - định hướng chiến lược phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030” nhằm mục tiêu tuyên truyền sâu rộng tới các ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng đề cương văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua đối với các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nghệ An; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp định hướng chiến lược phát triển văn hóa Nghệ An đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo.
Tại hội thảo, tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 như một động lực phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng.
Về thực trạng phát triển văn hóa Nghệ An, các tham luận đã tập trung đánh giá tiềm năng phát triển văn hóa đa dạng và phong phú của Nghệ An, từ văn hóa vật thể (di tích, danh thắng) cho đến văn hóa phi vật thể (tài nguyên về con người, văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng), được đánh giá là hoàn toàn có đủ nội lực để Nghệ An tạo ra các đột phá lớn, các sản phẩm văn hóa đỉnh cao.
Các tham luận đã khách quan nhìn nhận lại hành trình xây dựng và phát triển văn hóa Nghệ An trong những năm qua. Bên cạnh ghi nhận sự phát triển đồng đều toàn diện và từng bước hình thành diện mạo mới theo đúng định hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện những đặc trưng của văn hóa xứ Nghệ, các chuyên gia cũng rất thẳng thắn chỉ ra thực trạng phát huy giá trị văn hóa ở Nghệ An chưa xứng tầm so với tiềm năng văn hóa của tỉnh; phân tích, cảnh báo các nguy cơ khách quan và chủ quan tác động tiêu cực tới sự bảo tồn và phát huy văn hóa.
Các tham luận cũng phân tích những thuận lợi, khó khăn, đánh giá tiềm năng, nội lực của văn hóa Nghệ An, từ đó đề xuất nhiều định hướng, giải pháp cụ thể để phát triển văn hóa Nghệ An với phương châm “Nghệ An không ngoại lệ nhưng khác biệt và nổi trội” nhằm mục đích tạo bước đột phá để văn hóa tỉnh nhà bước sang thời kỳ hưng thịnh mới.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bùi Đình Long trân trọng cảm ơn các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã đóng góp tâm huyết, trí tuệ gửi bài tham gia hội thảo; đồng thời giao Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục nghiên cứu các giải pháp được hội thảo định hướng, đề xuất để nâng cao hoạt động chuyên môn, tham mưu chủ trương, chính sách, kế hoạch cụ thể để phát triển, chấn hưng văn hóa, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Minh Quân