Thị trường tín chỉ carbon

Thị trường tín chỉ carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải khí nhà kính được bán, cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn, hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính.

Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính, nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon, hay thị trường tín chỉ carbon.

anh-chup-man-hinh-2023-11-15-luc-224644-1067.png.webp
Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Ảnh minh hoạ: Internet

Mỗi tín chỉ carbon tương đương với một tấn khí CO2 phát thải hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2) quy đổi. Trước đây, mỗi tín chỉ carbon có biên độ giá dao động rất lớn, từ 6 đô la Mỹ đến gần 100 đô la Mỹ, phụ thuộc vào thời điểm và quy mô của các lô tín chỉ carbon được giao dịch.

Thị trường tín chỉ carbon vận hành gồm có các bên mua, bên bán và các tổ chức trung gian. Bên bán, được gọi là bên có “dấu chân carbon”, có thể là tổ chức, cá nhân có các hoạt động như thực hiện các dự án trồng rừng và bảo vệ hệ sinh thái, phát triển dự án năng lượng tái tạo, phát triển năng lượng xanh, sản xuất xanh… theo hướng chống biến đổi khí hậu, không gây phát thải khí nhà kính.

Ngược lại, bên mua là các doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh như công ty sản xuất thép, xi măng, hóa dầu, sản xuất hóa chất,… gây phát thải khí nhà kính trong quá trình hoạt động. Các tổ chức này theo quy ước quốc tế nếu muốn bán được sản phẩm, buộc phải mua tín chỉ carbon để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh.

bna-nguoi-dan-xa-tam-quang-vao-rung-met-khai-thac-mang-7864.jpg.webp
Trồng rừng là một trong những hoạt động quan trọng giúp giảm phát thải khí nhà kính, đem lại thu nhập lớn từ mua bán tín chỉ carbon. Ảnh: Hoài Thu

Nói cách khác, giao dịch tín chỉ carbon là hoạt động được quốc tế đặt ra nhằm làm giảm thiểu các tác động của con người đến môi trường sinh thái, làm suy giảm tầng ozon, gây biến đổi khí hậu trái đất. Mua bán tín chỉ carbon có tác dụng khuyến khích các hoạt động thân thiện với môi trường, hướng đến nền sản xuất xanh, năng lượng xanh để bảo vệ môi trường trái đất. Bên gây ra phát thải khí nhà kính (bên mua) phải trả chi phí để hỗ trợ, khuyến khích bên thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính (bên bán).

Thị trường thương mại mua bán tín chỉ carbon quốc tế đầu tiên là của Liên minh châu Âu vận hành từ năm 2005, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và sau này là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thị trường này chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu, và khoảng ¾ thị trường phát thải carbon toàn cầu.

Xu hướng tất yếu toàn cầu

Sau Nghị định thư Kyoto, thị trường carbon đã phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á với hai loại thị trường, gồm thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện. Thị trường bắt buộc áp dụng cho mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường carbon tự nguyện dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương, hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.

Ngày 07/01/2022, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Hiện, Việt Nam đang thực hiện các bước chuẩn bị cho việc vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon bắt đầu từ năm 2025, và đến năm 2028 sẽ hoạt động chính thức.

Tháng 10/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) - cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF), ký kết Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Với Thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2024. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD.

 

bo-truong-le-minh-hoan-trao-doi-voi-lanh-dao-xa-tay-son-ky-son-ve-phat-trien-cay-po-mu-tai-dia-phuong-anh-thanh-le-613.jpg.webp
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan thăm mô hình trồng rừng ở Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Thỏa thuận ERPA được thực hiện đầy đủ chỉ khi Việt Nam ban hành quy định về cơ chế chuyển nhượng kết quả và cơ chế quản lý tài chính. Ngày 28/12/2022, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Đến nay, phía WB đã chuyển cho Việt Nam 41 triệu USD, số tiền này sẽ được các địa phương bổ sung vào quỹ môi trường rừng chi trả cho những người trực tiếp làm rừng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, từ đó đẩy mạnh hơn ý thức bảo vệ và quản lý rừng bền vững.

ERPA là thỏa thuận đánh dấu mốc đầu tiên về chuyển nhượng carbon rừng thành công ở Việt Nam.

Nghệ An khởi động các bước tiếp cận thị trường carbon

Nghệ An hiện có hơn 1 triệu ha đất có rừng, là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp, cùng với độ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Diện tích rừng của Nghệ An chủ yếu phân bố ở khu vực 11 huyện miền Tây, đặc biệt là khu vực Tây Nam, là điều kiện thuận lợi mang lại tiềm năng lớn trong việc khai thác tín chỉ carbon. Khu vực miền Tây chiếm 84% diện tích cả tỉnh với 1,4 triệu ha, có đặc điểm địa hình miền núi cao rất thuận lợi cho phát triển nhiều ngành nghề thuộc nhiều lĩnh vực như: kinh tế rừng (khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng), trồng dược liệu, sản xuất nông sản sạch (chăn nuôi, trồng trọt), phát triển du lịch… Trong đó, trồng và bảo vệ rừng là ngành sẽ đem lại nguồn thu “triệu đô” khi tiếp cận được thị trường tín chỉ carbon.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các rừng keo lai trồng mới, ngoài việc mang lại giá trị khai thác gỗ khi thu hoạch, trong quá trình trưởng thành, cây keo lai là một trong các loại cây rừng hấp thụ CO2 hiệu quả nhất. Vì vậy, trồng keo ngoài cho thu nhập từ gỗ còn là hoạt động có tác dụng ngăn phát thải hàng ngàn tấn CO2 ra môi trường.

bna-ht-keo-ngoc-lam6-5814.jpg.webp
Người dân xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) học tập kỹ thuật ươm keo giống. Ảnh: Hoài Thu

Ở Nghệ An, theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh có 172.296,52ha rừng trồng đã thành rừng và 51.844,57ha rừng trồng chưa thành rừng. Trong số đó, diện tích rừng trồng các loài keo trên đất rừng sản xuất có khoảng 150.192ha, chiếm tới 90% diện tích rừng trồng nói chung. Bởi vậy, trồng keo hiện đang là nguồn phát triển kinh tế rừng chủ yếu của Nghệ An. Đây cũng là tiềm năng lớn để người trồng rừng tăng nguồn thu nhập giá trị cao bằng việc bán tín chỉ carbon bên cạnh nguồn thu từ bán gỗ keo.

Đối với Nghệ An, theo ông Nguyễn Khắc Lâm – Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, giao dịch tín chỉ carbon hiện đang là lĩnh vực mới, cần hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách theo quy định mới có có thể tiếp cận thị trường tiềm năng này. Hiện nay, tỉnh đang trong giai đoạn tiếp cận. Cùng với các chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Nghệ An đang từng bước chuẩn bị cho việc tiếp cận thị trường giao dịch tín chỉ carbon.

Cụ thể, cán bộ ngành Nông nghiệp đã và đang tham gia các khóa tập huấn, cập nhật các kiến thức cơ bản về tiêu chuẩn carbon; các biện pháp an toàn và kinh nghiệm các nước vận hành thị trường carbon; bù trừ carbon cũng như cách thức vận hành, giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon trên sàn giao dịch của thị trường carbon nội địa theo Nghị định 06/2022/NĐ. Bên cạnh đó là tiếp cận kiến thức, chỉ đạo về hoạt động giảm phát thải khí nhà kính; công tác kiểm kê khí nhà kính; giá carbon và hạn ngạch trong thị trường carbon nội địa.

Cán bộ ngành nông, lâm nghiệp cũng thực hiện tham quan, học hỏi và tập huấn về các phần mềm mô phỏng sàn giao dịch carbon (CarbonSim); các loại thị trường trên sàn giao dịch và các bước đăng ký tài khoản, lựa chọn với từng tài khoản để tiến hành giao dịch, phương thức giao dịch.

Việc chủ động tiếp cận với thị trường carbon, trong đó có thị trường giao dịch carbon nội địa, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai, góp phần nâng cao giá trị thặng dư của rừng từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng thông qua thị trường carbon; thực hiện tốt Nghị định Chính phủ về chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ sau khi được ban hành.

bna-hang-tram-cay-xanh-co-duong-kinh-tu-17-den-35-cm-da-phat-trien-xanh-tot-tai-khu-quy-hoach-cong-vien-sinh-thai-ke-le-anh-ht-9620.jpg.webp
Huyện miền núi Quỳ Châu xây dựng Khu quy hoạch Công viên sinh thái Kẻ Lè khuyến khích các cơ quan, đơn vị và người dân tham gia trồng cây gây rừng. Ảnh: Hoài Thu

Có thể thấy, tiềm năng thị trường và nhu cầu thương mại carbon rừng tại Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng là rất lớn. Để thúc đẩy thị trường carbon rừng trên phạm vi trong nước và quốc tế, bắt buộc và tự nguyện, Việt Nam cũng như Nghệ An đang gấp rút chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết nhằm tận dụng các cơ hội, góp phần đạt được mục tiêu tiếp cận với nguồn tài chính quốc tế, góp phần nâng cao đời sống cho người dân thông qua nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Từ đó càng góp phần đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển ổn định, bền vững.