Đảm bảo nguyên tắc phân bổ vốn
Việc xây dựng kế hoạch phù hợp với các quy định của pháp luật và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong năm; phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mức vốn bố trí cho từng dự án không vượt quá tổng mức đầu tư dự án trừ đi luỹ kế dự kiến giải ngân vốn đến hết năm 2024 của nhiệm vụ, dự án và không vượt quá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao cho dự án trừ đi số vốn đã giải ngân năm 2021, 2022, 2023 và số vốn bố trí năm 2024. Mức vốn bố trí cho từng nhiệm vụ, dự án phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2025.
Về thứ tự ưu tiên bố trí vốn: Bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); Bố trí đủ vốn để thu hồi vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2025; các dự án dự kiến hoàn thành năm 2025; vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tham gia vào các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bố trí vốn cho các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, nhiêm vụ cấp bù lãi suất, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Bố trí đủ vốn theo tiến độ cho các dự án trọng điểm, đường ven biển, dự án kết nối, có tác động lan tỏa, liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án nêu trên mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư.
Đối với vốn nước ngoài, việc bố trí kế hoạch phải theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với nội dung của Hiệp định, bảo đảm tiến độ và các cam kết khác đã ký với nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, năng lực của chủ chương trình, dự án và tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm thứ tự ưu tiên như: Bố trí đủ vốn cho dự án kết thúc Hiệp định trong năm 2025 và không có khả năng gia hạn Hiệp định, dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025; Bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp theo tiến độ được duyệt; Bố trí vốn theo tiến độ được duyệt và trên cơ sở khả năng giải ngân của dự án mới đã ký Hiệp định.
Ngoài ra, cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn ngân sách địa phương sang năm 2026 đối với các dự án ODA đã được cấp có thẩm quyền gia hạn thời gian thực hiện đến năm 2026.
10.003,953 tỷ đồng vốn đầu tư
Tổng vốn ngân sách nhà nước năm 2025: 10.003,954 tỷ đồng, trong đó đưa vào đầu tư công tập trung phần tỉnh quản lý là 4.714,944 tỷ đồng, cụ thể:
Đối với nguồn ngân sách Trung ương (chưa bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia) là 1.602,231 tỷ đồng. Trong đó: Vốn trong nước là 1.183,074 tỷ đồng. Trong đó: Đầu tư các dự án liên kết vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác: là 513,737 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 419,157 tỷ đồng.
Đối với nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia: 1.147,053 tỷ đồng. Trong đó: Vốn trong nước 1.122,848 tỷ đồng, trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 615,214 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: 161,549 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: 346,085 tỷ đồng.
Vốn nước ngoài 24,205 tỷ đồng, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: 24,205 tỷ đồng.
Đối với nguồn ngân sách địa phương: 7.254,67 tỷ đồng. Trong đó: Chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước: 2.393,07 tỷ đồng, trong đó: vốn đặc thù theo Nghị quyết 137/2024/QH15: 917,3 tỷ đồng, vốn xây dựng cơ bản tập trung: 1.475,77 tỷ đồng.
Đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất: 4.500 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách cấp huyện, xã hưởng theo phân cấp: 2.524,606 tỷ đồng; Ngân sách tỉnh hưởng: 1.975,394 tỷ đồng, trong đó đưa vào đầu tư công tập trung nguồn thu sử dụng đất: 255 tỷ đồng, bổ sung đầu tư công tập trung nguồn chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước: 198,89 tỷ đồng, phần vốn còn lại bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước để giải phóng mặt bằng, trả nợ vay, bổ sung quỹ phát triển đất…
Đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết: 36 tỷ đồng.
Đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương: 325,6 tỷ đồng, được giao trong dự toán Ngân sách nhà nước năm 2025.
Như vậy, tổng nguồn ngân sách địa phương đưa vào đầu tư công tập trung là 1.965,66 tỷ đồng.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, vì vậy, kế hoạch đầu tư công năm 2025 phải góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Mục tiêu giải ngân năm 2025 đạt trên 95% kế hoạch giao.