Lựa chọn tọa độ đột phá

Trong giai đoạn từ 2020 đến 2025, Nghệ An tiếp tục xác định phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm , đó là thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và vùng miền Tây Nghệ An, trọng tâm là Thái Hòa - Nghĩa Đàn - Đô Lương - Tân Kỳ - Con Cuông - Quỳ Hợp. Trong các vùng kinh tế trọng điểm trên, bên cạnh phát huy thế mạnh của từng vùng thì bản thân tại mỗi vùng đều được lựa chọn những tọa độ phát triển.

plugin_ckeditor_upload.upload.a75f015fd717c6ac.31302e6a7067.jpg

Một góc thị xã Cửa Lò. Ảnh: Trung Hà

Đơn cử như văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX nhiệm kỳ 2020 -2025 đã chỉ rõ: Xây dựng, ban hành cơ chế đặc thù để thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò đột phá phát triển trở thành đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới, sáng tạo của Nghệ An và trung tâm vùng Bắc Trung Bộ theo định hướng Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị hay xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển thị xã Thái Hòa thành trung tâm của vùng Tây Bắc; xây dựng, phát triển huyện Con Cuông trở thành thị xã theo hướng sinh thái, du lịch; xây dựng, phát triển huyện Đô Lương trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ của vùng Tây Nam...

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã thể hiện rất rõ tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ tỉnh để đề ra được chủ trương, định hướng lớn và đề xuất mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, đặc biệt là đường hướng phát triển trong nhiệm kỳ. Định hướng trên nhận được sự tán thành cao của các chuyên gia trong nước, như góp ý của PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trong quá trình xây dựng văn kiện để trình Đại hội là Nghệ An cần phải lựa chọn được tọa độ đột phá mạnh để có ưu tiên chính sách.

Hay đồng chí Trương Đình Tuyển - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế - Xã hội của tỉnh cũng gợi mở cần phân cấp mạnh, tạo cơ chế đặc thù cho thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai phát triển mạnh hơn, bền vững hơn; đẩy nhanh phát triển kinh tế số và phải coi đây là bước đột phá. Trong quá trình làm việc, tư vấn cho tỉnh, vào cuối năm 2020 vừa qua, Tổ tư vấn Kinh tế - Xã hội cũng góp ý “cần tập trung xây dựng, ban hành cơ chế đặc thù và bố trí nguồn lực thỏa đáng để phát triển thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, phải làm sớm gắn với kế hoạch ngân sách giai đoạn và hàng năm”.

plugin_ckeditor_upload.upload.a4c60dfd0e2d8275.31312e6a7067.jpg

Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thị xã Thái Hòa sẽ giúp thị xã có thêm điều kiện phát triển hạ tầng đô thị. Ảnh: Hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch của thị xã Thái Hòa. Ảnh: Thành Duy

Sớm cụ thể hóa

Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh vào tháng 10/2020 đến nay, với quan điểm phải sớm cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, nhất là cần nhanh chóng ban hành các nghị quyết, đề án để làm cơ sở triển khai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thông qua nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, trong đó thông qua chủ trương ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò.

Trên cơ sở đó, ngay trong tháng 4/2021, với quan điểm đầu tư cho thành phố Vinh là đầu tư chiến lược, trọng tâm, trọng điểm, kiến tạo giá trị bền vững thiết thực và to lớn cho thành phố nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Vinh giai đoạn 2021 - 2025.

Trên cơ sở Nghị quyết số 01-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển thị xã Cửa Lò đến năm 2025 và những năm tiếp theo” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành vào tháng 6/2021, vừa qua HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thị xã Cửa Lò phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về việc xây dựng, phát triển thị xã Thái Hòa thành đô thị trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An, trong đó đề ra nhiều nội dung, giải pháp quan trọng để tập trung xây dựng, phát triển thị xã trở thành đô thị trung tâm, có chức năng liên kết, tạo động lực phát triển của vùng Tây Bắc Nghệ An phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025.

plugin_ckeditor_upload.upload.9af161d33e7cbb0a.31322e6a7067.jpg

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo diện mạo mới khang trang, hiện đại ở xã Nam Anh (Nam Đàn). Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã nghe báo cáo kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 16/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ phát triển huyện Nam Đàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2 năm thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg, ngày 4/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025; qua đó đánh giá lại kết quả thực hiện và định hướng phát triển cho huyện thời gian tới.

Có thể nói chỉ trong một thời gian ngắn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua nhiều chủ trương, chính sách mang tính chất đặc thù cho nhiều địa phương được xác định là tọa độ phát triển của Nghệ An; thể hiện trách nhiệm chung của tỉnh để xây dựng các địa phương phát triển đúng vị thế, tạo sức lan tỏa cho các vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên để các chủ trương, chính sách phát huy được hiệu quả cao nhất đòi hỏi các địa phương liên quan và các ban, ngành của tỉnh cần phải chủ động phối hợp, có sự đầu tư, quan tâm triển khai thực hiện một cách thích đáng; đồng thời cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong thực tiễn; tránh để xảy ra tình trạng nghị quyết dành cho địa phương nào thì chỉ địa phương đó tổ chức thực hiện; còn vai trò của các sở, ban, ngành, các ban Đảng lại chưa được thể hiện rõ.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với lãnh đạo huyện Nam Đàn vào đầu tháng 8 vừa qua để cho ý kiến về nhiệm vụ phát triển huyện Nam Đàn đến năm 2025, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu cần phải thay đổi cách đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các địa phương. Theo đó, trong các phiên làm việc để đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết, bên cạnh báo cáo của ban thường vụ cấp ủy các huyện, thành, thị liên quan, thì cần có thêm báo cáo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các ban Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy; qua đó thể hiện rõ được trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả tổ chức thực hiện của các sở, ngành, các ban Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy trong việc thực hiện các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với các địa phương.

plugin_ckeditor_upload.upload.8869768a9a0247af.31332e6a7067.jpg

Toàn cảnh thành phố Vinh. Ảnh: Thành Cường

Thành Duy

(Nguồn: BNA)