Nghệ An sẽ xây dựng Nhà thi đấu và Trung tâm văn hóa đa chức năng trong giai đoạn 2026 - 2030
Sáng 6/12, Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.
Các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Phát biểu chất vấn, bà Trần Thị Khánh Linh - Tổ đại biểu thành phố Vinh dẫn báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, nhận xét thiết chế văn hóa cấp tỉnh chưa xứng tầm. Trung văn hóa tỉnh đầu tư chưa đồng bộ, khai thác chưa hiệu quả. Trung tâm huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao cơ sở vật chất xuống cấp, hệ thống nhà ở, điều kiện ăn nghỉ sinh hoạt của vận động viên chật hẹp.
Qua đó, đại biểu đề nghị Giám đốc Sở cho biết đâu là giải pháp căn cơ đủ mạnh để có thể xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh đảm bảo nhằm xây dựng thành phố Vinh văn minh, hiện đại.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh đồng tình với thực trạng đại biểu chỉ ra, là thiết chế văn hóa cấp tỉnh của Nghệ An đang hạn chế.
“Quy mô, cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa tỉnh chưa xứng tầm. Trung tâm Huấn luyện thi đấu thể thao xuống cấp nhiều”, bà nói và cho biết, hạn chế này đã làm mất đi cơ hội của Nghệ An khi không đảm bảo cơ sở vật chất để tổ chức một số giải thi đấu tầm quốc gia do khi các bộ, ngành về khảo sát thì không đáp ứng được yêu cầu.
Để giải quyết thực trạng trên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 đã quy hoạch xây dựng khu liên hiệp thể thao theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Đặc biệt, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, ngành đã tham mưu để bố trí nguồn lực thực hiện 2 dự án trọng điểm là: Nhà thi đấu cấp tỉnh xứng tầm tổ chức các giải đấu khu vực, quốc gia, thậm chí quốc tế và Trung tâm Văn hóa đa chức năng kiêm Trung tâm hội nghị tỉnh.
Cũng liên quan đến thiết chế văn hóa, thể thao, đại biểu Trần Thị Thanh Huyền - Tổ đại biểu huyện Thanh Chương cho biết, nhiều xã, xóm đầu tư sân vận động rất đẹp nhưng thường xuyên đóng cửa, chưa khai thác hiệu quả.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 huyện chưa có trung tâm văn hóa; 15 xã chưa có nhà văn hóa, 22 xã chưa có sân vận động, 30 thôn chưa có nhà văn hóa.
Về việc sử dụng lãng phí thiết chế văn hóa, thể thao, bà Trần Thị Mỹ Hạnh nhìn nhận, đánh giá của đại biểu đúng với thực trạng ở các sân vận động của một số huyện, xã. Nguyên nhân là do quy hoạch vị trí không phù hợp như: Sân vận động huyện Con Cuông gần tại nghĩa trang, bãi rác nên không phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, các thiết chế này là tài sản công nên hiện đang vướng quy định của pháp luật, không được phép cho thuê để làm dịch vụ. Mặt khác, một số địa phương chưa quan tâm tổ chức hoạt động thường xuyên.
Còn các thiết chế văn hóa, thể thao của thôn, xóm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An khẳng định là được sử dụng tốt, phát huy hiệu quả.
Từ thực tế đó, đề cập giải pháp, bà Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết: Ngành đã tham mưu cho tỉnh và trực tiếp Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đã chủ trì hội nghị bàn các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng. Sau đó, ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành quy chế về quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, tuy nhiên do vướng luật nên chưa thể ban hành.
Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương để tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để ban hành quy chế của tỉnh; đồng thời tiếp tục phối hợp với các địa phương để hỗ trợ xây dựng các kế hoạch hoạt động tại các thiết chế văn hóa hiệu quả hơn; gắn với kiểm tra, giám sát; tham mưu các cơ chế, chính sách.
Còn đại biểu Nguyễn Hồng Sơn - Tổ đại biểu huyện Kỳ Sơn, nêu trăn trở khi qua sáp nhập thôn thì thiết chế văn hóa vừa thừa, vừa thiếu và đề nghị cho biết thực trạng, giải pháp khắc phục.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thừa nhận, tình trạng các thiết chế văn hóa vừa thừa, vừa thiếu. Thừa nhà văn hóa nhưng thiếu là không đủ diện tích vì dân số sau sáp nhập tăng lên.
Vì vậy, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, rà soát và tiến hành các hoạt động để phát huy hiệu quả các thiết chế. 812 thôn đã được lựa chọn để cải tạo nâng cấp, 358 thôn khác được quy hoạch đầu tư xây dựng mới.
Trước mắt, bà Trần Thị Mỹ Hạnh đề nghị, các địa phương cơ bản giữ lại các thiết chế văn hóa này để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 28 của UBND tỉnh về việc việc quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa…