Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP đã góp phần phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh Nghệ An, tạo bước chuyển căn cơ từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang liên kết chuỗi giá trị bền vững.
Sau 6 năm không ngừng vun trồng, nay Nghệ An đang hưởng thành quả ngọt ngào từ sân chơi này. Tính đến cuối tháng 6/2024 toàn tỉnh có tổng cộng 562 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên. Mức độ lan tỏa là điều không thể phủ nhận, thể hiện qua 110 hợp tác xã, 59 công ty cổ phần, doanh nghiệp, 55 tổ hợp tác và 122 hộ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm OCOP.
Quan điểm, chủ trương của Nghệ An rất rõ ràng, đó là phát triển các mặt hàng đặc trưng, tiêu biểu gắn với khai thác vùng nguyên liệu và chỉ dẫn địa lý sẵn có, điển hình có thể kể đến cam Vinh, gừng Kỳ Sơn, gà đồi Thanh Chương, gạo Vĩnh Hòa, lạc Diễn Châu…
Khoác lên tấm áo OCOP tức thì tạo chuyển biến toàn diện trên tất cả các khía cạnh, đặc biệt là yếu tố kinh tế. Bằng chứng, doanh thu của các sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên tăng đến 8,0%/ năm. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ, kết nối đã tiêu thụ khoảng 50.000 - 60.000 tấn cam, 20.000 - 30.000 tấn quýt, 25.000 - 30.000 tấn dứa quả, 5.000 tấn gừng, 5.000 tấn chanh...
Nhìn rộng ra, đến nay Nghệ An có khoảng 100 sản phẩm OCOP (đa phần là sản phẩm nông sản và sản phẩm chế biến từ nông sản) hiện diện thường xuyên trên hệ thống của các chuỗi cung ứng như BigC, MM Mega Market, Lotte, Bách hóa Xanh, Aeon, Maxi Mart…
Bên cạnh thuận lợi là những khó khăn, tồn tại. Phải thừa nhận nhiều mặt hàng đang chủ thể đang bế tắc trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt khía cạnh xuất khẩu. Sản phẩm OCOP tham gia các chuỗi bán lẻ hiện đại, siêu thị dù có nhưng tương đối hạn chế, không nhiều sản phẩm chinh phục được các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Phải nói thêm, các đơn vị liên quan chưa thực sự chú trọng “nâng tầm”... nhằm đảm bảo song song cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo quy định, muốn nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao phải đáp ứng các tiêu chuẩn “cứng” như xúc tiến thương mại gắn với chỉ dẫn địa lý, liên kết chuỗi, khả năng tiếp cận thị trường, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm..., những yêu cầu này không dễ hoàn thành khi đa phần chủ thể tiềm lực có hạn, quy mô nhỏ, nặng về tiêu thụ tự do.
Từ thực tiễn đặt ra, thời gian tới Nghệ An xác định phải tổ chức chặt chẽ, bài bản theo lộ trình dài hơi, từ đó tiếp tục hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm… gắn với văn hóa cấp địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.
Quá trình triển khai sẽ tạo môi trường phù hợp nhằm thu hút doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực; nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển và quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài nước; tích cực tham gia, tổ chức các sự kiện, diễn đàn khu vực, quốc tế để mở rộng cơ hội thị trường để quảng bá, giới thiệu rộng rãi bản sắc văn hóa và tiềm năng du lịch Nghệ An.
Sau nữa là phương án quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP (nhãn hiệu chứng nhận), tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm từng bước củng cố, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm...