bna-nong-thon-nghe-an-dang-tung-ngay-khoi-sac1-6902.jpg.webp
Nông thôn Nghệ An khởi sắc. Ảnh: Thái Dương

Mục tiêu đến năm 2030

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 699/KH-UBND ngày 21/9/2023 về việc thực hiện Chương trình hành động số 49-CTr/TU ngày 13/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 4,6%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp từ 5,5 đến 6%/năm.

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân 10%/năm.

Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5-6%/năm.

Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%, trong đó, 35% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn mỗi năm giảm từ 1 - 1,5%/năm.

Tỷ lệ hộ gia đình vùng nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, phấn đấu đạt 95%, trong đó, 60% số hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.

Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội dưới 20%; bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 50.000 lao động nông thôn.

Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 58%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững 50.000 ha.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 80%.

bna-doan-tham-tra-ubnd-tinh-tham-quan-mo-hinh-nuoi-tom-cong-nghe-cao-tren-dia-ban-xa-dien-trung-9824.jpg.webp
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Xuân Hoàng

Tầm nhìn đến năm 2045: Nông dân và cư dân nông dân Nghệ An văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Có nền nông nghiệp phát triển bền vững, sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa xứ nghệ; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội đảm bảo vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Trên cơ sở kế hoạch và mục tiêu cụ thể đó, Nghệ An đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện: Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn, nhất là vùng nông thôn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

bna-mo-hinh-trong-dua-luoi-o-yen-thanh-6687.jpg.webp
Trồng dưa lưới trên địa bàn xã Xuân Thành (Yên Thành). Ảnh: Xuân Hoàng

Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thành cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị- xã hội , xã hội nghề nghiệp ở nông thôn.

Trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu này, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành , Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình có trách nhiệm triển khai thực hiện theo quy định./.