Chiều 24/6, tại thành phố Vinh, HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 6 (Kỳ họp chuyên đề) để giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

bna-img-5186-2875.jpg

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Phạm Bằng

Tại Kỳ họp thứ 6 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 tỉnh Nghệ An.

Mục tiêu của Nghị quyết là thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nhanh thu nhập, nâng cao điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ huyện nghèo, xã nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

bna-img-0102-1024--n1.jpg

Ông Bùi Duy Sơn - Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh trình bày dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Thành Duy

Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân hàng năm từ 1-1,5%/năm, trong đó vùng miền núi 2-3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm; phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của Quốc gia.

Riêng năm 2022, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 1-1,5%/năm, trong đó vùng miền núi 2-3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh có 7 dự án và 11 tiểu dự án thành phần. Theo đó, kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh là hơn 918,868 tỷ đồng.

bna-bieu-quyet-7613--n2.jpg

Các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành biểu quyết trên thiết bị điện tử. Ảnh: Phạm Bằng

Trong đó, dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo có tổng kinh phí hơn 803,895 tỷ đồng; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững có tổng kinh phí là 114,973 tỷ đồng.

Đối với kế hoạch phân bổ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 được bố trí 404,160 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đầu tư phát triển là hơn 305 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp là 98,629 tỷ đồng.

Theo kế hoạch phân bổ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, đối với dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo được phân bổ hơn 284,57 tỷ đồng. Trong đó, huyện Kỳ Sơn hơn 77 tỷ đồng; huyện Tương Dương hơn 68,96 tỷ đồng; huyện Quế Phong hơn 76,09 tỷ đồng; huyện Quỳ Châu hơn 61,82 tỷ đồng.

image-2406994-181020193356093-1162021-3942.jpg

Hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Nghệ An theo chuẩn nghèo đa chiều 2021- 2025 là 7,8%. Ảnh tư liệu

Đối với dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được phân bổ vốn là hơn 32,229 tỷ đồng. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được phân bổ hơn 4,834 tỷ đồng; 21 huyện, thành, thị được phân bổ hơn 27,395 tỷ đồng.

Nghị quyết cũng xác định cơ chế, giải pháp huy động và lồng ghép vốn thực hiện chương trình được thực hiện theo Nghị định 27/2022 của Chính phủ; Việc lồng ghép phải được xác định khi phê duyệt quyết định đầu tư dự án. Trong đó, phân định rõ được tỷ lệ huy động, cơ cấu từng nguồn vốn được lồng ghép, tránh chồng chéo, trùng lắp.

Phạm Bằng - Thành Duy