bna-img-3186-7302--n1.jpg
Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế tỉnh liên quan đến “công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Ảnh: Thành Duy

Chiều 13/10, Đoàn Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh liên quan đến “công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, các thành viên đoàn giám sát và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

XÂY DỰNG ĐỀ ÁN GIÁM SÁT CÁC MỎ KHOÁNG SẢN

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 274 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 57 giấy phép; UBND tỉnh cấp 217 giấy phép.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Nghệ An, hiện nay có 221 doanh nghiệp nộp ngân sách thuộc lĩnh vực khoáng sản. Tổng số thu tăng lên theo từng năm, trong đó năm 2021 là hơn 1.122 tỷ đồng.

bna-img-3253-2753.jpg
Phó Cục trưởng Cục thuế Nghệ An Hà Lê Dũng nêu những nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế trong lĩnh vực khoáng sản. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hoạt động thu các sắc thuế liên quan lĩnh vực khoáng sản còn gặp nhiều thách thức, nhất là còn tình trạng thất thu thuế. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An Hà Lê Dũng, nguyên nhân là có hiện tượng khai thác lớn hơn so với bán ra, giá bán kê khai thấp hơn so với giá bán thực;…Song để chống thất thu thuế đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản hiện nay vẫn còn những khó khăn, đặc biệt là trong kiểm soát sản lượng.

Một trong những nguyên nhân trực tiếp được chỉ ra là do có nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện việc lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; chưa lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã lắp đặt nhưng thiết bị không hoạt động và không lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.

bna-img-3254-4135.jpg
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt cho biết: Sở đang xây dựng Đề án giám sát các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt đề nghị luật cần quy định cơ quan cụ thể có trách nhiệm tích hợp, quản lý thông tin từ camera và trạm cân từ các doanh nghiệp vì hiện nay dù có quy định doanh nghiệp lắp đặt camera và trạm cân nhưng không có quy định giao cơ quan nào giám sát nên rất khó cho địa phương trong công tác quản lý.

Về giải pháp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Căn cứ vào định hướng từ Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hiện nay Sở đang xây dựng Đề án giám sát các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh để truyền số liệu từ các trạm cân, camera giám sát của các đơn vị khai thác khoáng sản về cơ quan quản lý Nhà nước để theo dõi, giám sát.

bna-img-3271-2614.jpg
Bí thư Thị ủy Thái Hòa Phạm Tuấn Vinh - Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, thành viên Đoàn Giám sát đề nghị làm rõ hơn về công nghệ khai thác mỏ trên địa bàn; công tác phối hợp giữa các địa phương giáp ranh có mỏ;... Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế Nghệ An cũng đã trao đổi, làm rõ thêm các thông tin liên quan, đặc biệt là vấn đề rất thời sự hiện nay là việc cấp phép mỏ đất, vật liệu xây dựng để đáp ứng nhu cầu trên địa bàn tỉnh; những khó khăn đặt ra trong thu thuế khai thác cát, sỏi;…

ĐỀ NGHỊ VÀO CUỘC XỬ LÝ NGAY NHỮNG TỒN TẠI

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trao đổi, phân tích ghi nhận những mặt đạt được trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác, quản lý khoáng sản trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua thực tiễn và giám sát cho thấy còn nhiều bất cập, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

bna-img-3276-7181.jpg
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh lưu ý một số định hướng trong công tác quy hoạch đối với lĩnh vực khoáng sản gắn với xây dựng Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị, các ngành liên quan cần có chiến lược tham mưu về công tác quy hoạch đối với lĩnh vực khoáng sản gắn với xây dựng Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dựa trên quan điểm đã được Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất là chỉ ưu tiên khai thác các loại khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh như đất san lấp, cát, sỏi, đá xây dựng; hạn chế tối đa bổ sung quy hoạch, cấp phép các loại khoáng sản có giá trị lớn để dành tài nguyên cho các thế hệ mai sau vì đây là những tài nguyên không thể tái tạo.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình cũng đề nghị, cần rà soát và tham mưu để UBND tỉnh ban hành cơ chế phối hợp giữa các ngành với nhau và giữa các ngành với các địa phương cấp huyện để khắc phục những bất cập trong công tác phối hợp quản lý đã chỉ ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

bna-img-3227-7596.jpg
Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; vừa để phát hiện ra bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, vừa phát hiện vi phạm và có chế tài xử lý với những doanh nghiệp vi phạm, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đóng góp ngân sách.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi - Trưởng đoàn giám sát, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế Nghệ An tiếp thu các ý kiến, tập trung hoàn thiện các báo cáo gửi Đoàn giám sát; đặc biệt là từ thực tế công việc chuyên môn, các đơn vị cần trăn trở đề xuất các kiến nghị, giải pháp với tỉnh, Chính phủ, Quốc hội; đồng thời để sau khi HĐND tỉnh cho ý kiến và ban hành Nghị quyết về nội dung này sẽ góp phần thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

bna-img-3217-7034.jpg
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Chia sẻ với các ngành chức năng về những khó khăn khách quan làm ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tuy nhiên từ thực tiễn đặt ra, nhất là mong mỏi rất lớn của người dân tại những vùng có mỏ khoáng sản mà Đoàn giám sát của HĐND tỉnh ghi nhận, đồng chí Nguyễn Như Khôi đề nghị, các sở, ngành liên quan cần vào cuộc ngay để khắc phục những tồn tại, hạn chế mà đoàn đã chỉ ra tại cuộc làm việc, nhất là các vấn đề về ô nhiễm môi trường, an toàn lao động, khai thác khoáng sản trái phép; xử lý xe quá khổ, quá tải; chống thất thu thuế; đồng thời lưu ý nhu cầu thực tế đang rất lớn hiện nay để đẩy nhanh thời gian cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời đây cũng là giải pháp để chống lại khai thác trái phép các khoáng sản này.

Thành Duy