Nghệ An nhất quán 3 nội hàm lớn, 2 mục tiêu cốt lõi khi thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị
Sáng 16/9, tại TP. Vinh, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 -NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng và các đồng chí: Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hưng - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng chủ trì hội nghị.
Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hoàng Đăng Quang - Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh và đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo Quân khu IV; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; Tổ tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo chủ chốt các ban, sở, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã.
Cùng với 700 đại biểu tại điểm cầu chính, hội nghị được kết nối trực tuyến đến 655 điểm cầu; trong đó, có 30 điểm cầu cấp huyện, đảng ủy trực thuộc và 625 điểm cầu cấp xã, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Dự kiến tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tham gia khoảng 42.000 người/655 điểm cầu.
NHẬN THỨC SÂU SẮC VINH DỰ, TRÁCH NHIỆM ĐƯỢC TRUNG ƯƠNG GIAO
Trình bày dự thảo Chương trình hành động, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định: Nghị quyết số 39 -NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với quê hương của Bác Hồ kính yêu, tạo điều kiện để tỉnh Nghệ An phát triển tương xứng với vị trí, vai trò trong khu vực Bắc Trung Bộ, phù hợp mong muốn, kỳ vọng của Trung ương và Nhân dân cả nước.
“Nhận thức sâu sắc vinh dự, trách nhiệm được Trung ương trao, Tỉnh ủy Nghệ An đã nghiên cứu, xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với tinh thần khẩn trương, bài bản, phát huy trách nhiệm, trí tuệ của tập thể, cá nhân”, đồng chí Thái Thanh Quý nhấn mạnh.
Tập thể Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều phiên làm việc để bàn thảo, góp ý vào dự thảo Chương trình hành động, xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Quá trình xây dựng Chương trình đã nhận được nhiều ý kiến góp ý sâu sát, tâm huyết và đã được bộ phận thường trực biên tập tiếp thu tối đa.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, yêu cầu chỉ đạo trong quá trình xây dựng Chương trình hành động, nhất quán 3 nội hàm lớn:
Trước hết, Chương trình hành động quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 39 -NQ/TW của Bộ Chính trị, thể hiện quyết tâm chính trị, phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, nhằm sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, đưa Nghệ An “bước thật mạnh, tiến thật xa” theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thứ hai, tập trung cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đầy đủ, toàn diện, phù hợp với thực tiễn; xây dựng các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch, dự án và nghị quyết chuyên đề với lộ trình thực hiện cụ thể, phân công rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì tham mưu, phối hợp, cá nhân phụ trách; gắn kết chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26 – NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Thứ ba, chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển tỉnh Nghệ An theo định hướng Nghị quyết; kịp thời cập nhật chủ trương, chính sách của Trung ương, bổ sung các nhiệm vụ mới bảo đảm yêu cầu đề ra. Thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện; kịp thời đôn đốc, tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Nghệ An đồng thời nhất quán thực hiện 2 mục tiêu cốt lõi, xuyên suốt trong chương trình hành động. Đó là đến năm 2030, Nghệ An phát triển thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ trên một số lĩnh vực có thế mạnh. Đến năm 2045, là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.
Tỉnh cũng nhất quán quan điểm xuyên suốt trong xây dựng chương trình hành động là: Theo đuổi, kiên định mục tiêu phát triển bền vững; phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, quyết tâm tạo đột phá ở một số ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm. Quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giữ vững cân bằng sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Bảo đảm phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền; giữa đô thị và nông thôn; đẩy mạnh liên kết vùng và liên kết nội tỉnh; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển.
HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN 2 KHU VỰC ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho biết: Chương trình hành động cụ thể hóa 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, 19 chỉ tiêu cụ thể, đồng thời, xác định triển khai 25 chương trình, đề án thuộc phạm vi tỉnh chủ trì tham mưu, phê duyệt thực hiện; xác định 10 dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm; 20 danh mục dự án, lĩnh vực trọng điểm kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An để thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 39 – NQ/TW của Bộ Chính trị.
“Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, các chương trình, đề án, dự án trọng điểm đều hướng đến nhằm phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng: Thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam mở rộng”, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu.
Chương trình hành động cũng đồng thời hướng đến thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông trọng điểm như: Đầu tư xây dựng Cảng Cửa Lò, Cảng Đông Hồi; nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh đạt chuẩn 4E,... phát triển công nghệ thông tin, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người Nghệ An.
Hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế gắn với các lĩnh vực trọng tâm tạo động lực dẫn dắt, gồm: Hành lang kinh tế ven biển phía Đông; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Quốc lộ 7, hành lang kinh tế Quốc lộ 48A.
Phát triển 5 lĩnh vực trụ cột gồm: công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch; thương mại, dịch vụ; kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Xây dựng 6 trung tâm đô thị tạo động lực dẫn dắt phát triển, gồm: Thành phố Vinh mở rộng là đô thị trung tâm của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ, động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, kết nối và hình thành liên kết phát triển Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh. Phát triển thị xã Thái Hòa trở thành đô thị động lực, trung tâm vùng phía Tây Bắc; phát triển thị xã Hoàng Mai gắn với huyện Quỳnh Lưu trở thành đô thị trung tâm vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh; xây dựng huyện Con Cuông theo hướng đô thị sinh thái, động lực thúc đẩy phát triển của tiểu vùng Tây Nam; nâng cấp đô thị Diễn Châu với chức năng đô thị nằm ở vị trí trung tâm vùng phía Đông của tỉnh; xây dựng đô thị Đô Lương đóng vai trò là điểm kết nối, liên kết giữa các huyện phía Tây với thành phố Vinh, Khu Kinh tế Đông Nam và khu vực ven biển của tỉnh.
Chương trình hành động xác định, giải pháp có tính nền tảng, có ý nghĩa tiên quyết để thực hiện thắng lợi Nghị quyết trước hết là tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền để làm thay đổi tư duy, tạo sự thống nhất về mặt nhận thức và hành động, thôi thúc quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh.
Thực sự coi trọng việc phát huy yếu tố văn hóa đậm đà bản sắc trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển với 3 giá trị cốt lõi: giá trị tốt đẹp về cốt cách, phẩm chất, tâm hồn con người, văn hóa xứ Nghệ; giá trị di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh, đầu tư tôn tạo và phát huy Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng xứng tầm; giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca ví, giặm.
Chương trình hành động cũng xác định hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp có tính chiến lược, đột phá trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch chung thành phố Vinh; quy hoạch Khu Kinh tế Nghệ An, quy hoạch các vùng huyện..; phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, các khu vực kinh tế trọng điểm và miền Tây; các mạng lưới đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm; các giải pháp đột phá trong cải cách hành chính; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Ưu tiên tối đa việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển.
Chương trình khẳng định và làm rõ nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân có ý nghĩa quyết định trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
“Cùng với đó, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39 -NQ/TW của Bộ Chính trị đã phân công thực hiện gắn với “địa chỉ”, trách nhiệm rõ ràng, với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể đối với: Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Đảng đoàn HĐND tỉnh; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh; Đảng đoàn MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; Các ban Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy; cấp ủy, đảng ủy trực thuộc và các sở, ban, ngành cấp tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định.
Có thể nói, khát vọng phát triển Nghệ An luôn được hun đúc qua nhiều thời kỳ, khát vọng ấy càng mạnh mẽ và thôi thúc hơn vào thời điểm này. Thời điểm mà nhiều người cho rằng: Nghệ An đang có “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để tỉnh phát triển nhanh, mạnh, đột phá, bền vững. Thời điểm mà tỉnh Nghệ An cũng nhận thức sâu sắc rằng, nếu không tận dụng để tiến nhanh lên, không tự vượt lên thì tỉnh sẽ lỡ cơ hội phát triển.
Với sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An sẽ không ngừng nỗ lực, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39 - NQ/TW của Bộ Chính trị, đưa tỉnh Nghệ An phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với sự quan tâm, kỳ vọng của Trung ương, của cả nước dành cho quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; trước mắt, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu vào năm 2030, đây cũng là dấu mốc kỷ niệm 1.000 năm danh xưng Nghệ An.