Đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm
Vượt qua cung đường đồi núi uốn lượn gần 70km từ trung tâm thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) trong tiết trời chớm thu những ngày cuối tháng 8 lịch sử, chúng tôi đến với Na Ngoi - nơi có đỉnh Puxailaileng cao 2.700m so với mực nước biển và những bản, làng nằm rải rác dưới chân núi quanh năm mây phủ… Nếu như trước đây, với phương thức sản xuất tự cung, tự cấp, hơn 90% bà con người Mông nơi đây chỉ mơ “đủ ăn” thì nay nhờ biết khai thác thế mạnh từ nông sản địa phương, đời sống của bà con đã được nâng lên rõ rệt. Diện mạo bản, làng cũng đẹp hơn với nhiều nhà sàn kiểu mới; hệ thống đường sá giao thông nội bản được đầu tư khang trang.
Chỉ tay về phía rẫy gừng của hộ gia đình mình, chị Vừ Y Rau (bản Buộc Mú 1) cho biết, bà con không chỉ có thu nhập từ việc trồng gừng mà còn tạo việc làm cho các lao động khác. Mỗi mùa thu hoạch, nhiều hộ đồng bào Mông đã thuê người Thái, Khơ Mú ở các địa bàn lân cận vận chuyển gừng từ nương rẫy về bãi tập kết. Sau đó, chủ rẫy sẽ cân gừng và trả tiền công đào, thồ với giá 6.000 đồng/kg.
Chủ tịch UBND xã Xồng Bá Dênh chia sẻ thêm, bên cạnh trồng trồng lúa nước, bà con còn biết tận dụng đất trồng rau xanh, chăn nuôi trâu, bò tập trung, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh… “Người dân Na Ngoi hôm nay biết chủ động làm ăn, phát triển kinh tế rồi, không quá trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa”, ông Dênh phấn khởi.
Tương tự Na Ngoi, bản Phá Lõm (xã Tam Hợp) - địa bàn sinh sống của 122 hộ người Mông cũng từng được xem là “lõi nghèo” của huyện vùng cao Tương Dương, song bằng nỗ lực vượt khó và mạnh dạn thay đổi trong tư duy, vùng đất này đã từng ngày khoác trên mình diện mạo mới. Trong câu chuyện vui bên ấm chè xanh, Bí thư Chi bộ bản Xồng Bá Giày chia sẻ, nhờ được cấp ủy, chính quyền quan tâm, bà con đã có nhiều đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm để sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Cuộc sống tuy chưa hết vất vả nhưng đã khá hơn nhiều so với trước kia. Diện mạo nông thôn bản nhờ thế có nhiều thay đổi.
Nói rồi, anh Xồng Bá Giày dẫn chúng tôi xuống thăm mô hình trồng sâm bảy lá xanh mơn mởn của Trưởng bản Xồng Bá Chớ. Được biết, ngoài trồng sâm, anh Xồng Bá Chớ còn trồng nghệ đỏ, chăn nuôi 6 con trâu, bò… “Mình là người đứng đầu thôn, bản phải “nói đi đôi với làm” thì dân bản mới tin, mới nghe theo. Mình nghèo làm sao tuyên truyền cho bà con thoát nghèo được”, anh Chớ bộc bạch.
Rời những cánh rừng pơ mu, sa mu, xuôi đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi về với xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương) - một trong những “địa chỉ đỏ” của phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh... khi mặt trời sắp đứng bóng. Theo lịch sử ghi lại, ngọn lửa đấu tranh lúc bấy giờ nhanh chóng lan sang các vùng khác, hợp sức với công nông Vinh - Bến Thủy mở đầu một cao trào rộng khắp - Xô Viết Nghệ Tĩnh. Để rồi, 15 năm sau, trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Hạnh Lâm lại trở thành lá cờ đầu của Thanh Chương trong việc giành chính quyền… Và hôm nay, miền quê nơi cuối nguồn con sông Giăng bát ngát màu xanh, trải dài tít tắp - màu của những cánh rừng nguyên liệu, của đồi chè, bãi ngô, vườn mít và những ruộng lúa mơn mởn xanh.
Không chỉ Kỳ Sơn, Tương Dương hay Thanh Chương… trở lại TP. Vinh, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn đổi thay của xứ Nghệ. Chị Nguyễn Tuyết Sương (phường Cửa Nam) chia sẻ, với nỗ lực của chính quyền, sự đồng lòng và chung sức của người dân, nay trên địa bàn đã có nhiều công trình được xây mới và mở rộng quy mô; cảnh quan sạch đẹp, không gian trải dài hơn... “Chứng kiến sự thay đổi của quê hương, người dân phấn khởi và mong muốn chính quyền tiếp tục quan tâm đầu tư để diện mạo TP. Vinh ngày càng khởi sắc”, chị Sương cho biết.
Từng bước chuyển mình
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết, những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An luôn nỗ lực phát huy sức mạnh đại đoàn kết, vươn lên khắc phục mọi khó khăn, tích cực đổi mới xây dựng quê hương và đã đạt được những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Trong đó, quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, đáng chú ý, năm 2022 đạt gần 176.000 tỷ đồng (đứng thứ 10 cả nước). GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, đạt 51,4 triệu đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều điểm sáng, nhất là y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới… Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị được chú trọng, nhất là tập trung đổi mới lề lối làm việc, chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh nhạy cảm.
Với quan điểm “xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước”, ngày 18.7.2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”… Theo các chuyên gia, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết này nhằm tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Nghệ An đối với khu vực, vùng và cả nước; tạo sự thống nhất trong nhận thức của tất cả các cấp, ngành; từ đó mở đường cho việc đưa ra những giải pháp mới, đột phá thu hút nguồn lực để xây dựng và phát triển Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước...
“Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng lên, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện trong giai đoạn mới”, ông Quý nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn; chưa tạo lập được xu thế phát triển vượt trội, vị thế vùng nổi bật, tương xứng với vai trò “trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ”. Tốc độ tăng trưởng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của tỉnh… Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền Tây xứ Nghệ còn cao, đời sống một bộ phận, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn…
Chia sẻ về những giải pháp thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh, cùng với tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; gắn trách nhiệm người đứng đầu các ngành, địa phương đối với kết quả giải ngân đầu tư công… Tỉnh sẽ cải thiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt an sinh xã hội, chính sách cho người có công; xử lý hoặc thay thế cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu… Đồng thời, xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc phức tạp; chủ động phương án phòng chống thiên tai, hạn hán, cháy rừng, lụt bão. “Nghệ An sẽ tiếp tục nỗ lực hơn, phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, khơi dậy ý chí tự lực tự cường khát vọng vươn lên; tích cực, chủ động đổi mới sáng tạo đưa tỉnh phát triển bền vững. Phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu các mục tiêu đề ra”, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nhấn mạnh.
Hơn nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2020 - 2025 sắp qua, kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được và bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tin rằng Nghệ An sẽ thực hiện thắng lợi các kế hoạch đề ra, mang luồng sinh khí mới để cụ thể hóa thêm con đường phát triển, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng - nơi sinh ra vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Diệp Anh