Sáng 26/8, Ban Văn hóa Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức thẩm tra dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 22), HĐND tỉnh.

Dự phiên thẩm tra có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

bna_-to.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TL

Mở đầu phiên họp, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thẩm tra Nghị quyết "Quy định một số chính sách hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường THPT thực hiện mô hình phổ thông dân tộc bán trú dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An".

Dự thảo Nghị quyết bổ sung một số nội dung và mức chi. Đó là chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình tăng cường ngoại ngữ, tin học, giáo dục STEM, kỹ năng sống, giá trị sống; mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/tiết dạy; tối đa không quá 5 tiết/tuần/lớp và không quá 27 tuần/năm học.

Hỗ trợ kinh phí mua sắm sách giáo khoa, xây dựng tủ sách dùng chung để mỗi học sinh mượn 1 bộ sách tương ứng với từng lớp học mà học sinh đang theo học; mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh/năm.

Dự kiến kinh phí năm 2024 là hơn 8,2 tỷ đồng; năm 2025 trở đi gần 18,5 tỷ đồng.

bna_-akhoi.jpg
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu đồng tình tăng cường thêm kỹ năng sống, ngoại ngữ... cho các trường trung học phổ thông dân tộc bán trú; cần quan tâm đầu tư toàn diện cho giáo dục nói chung, giáo dục vùng miền núi nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Ảnh: TL

Cho ý kiến về dự thảo, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết của Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chính sách của tỉnh đối với phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo miền núi; đồng thời tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện tốt chính sách cho học sinh phổ thông có hộ khẩu thường trú thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh ở bán trú tại trường.

bna_-db.jpg
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận. Ảnh: TL

Việc tăng tỷ lệ huy động học sinh tại vùng này góp phần phát triển giáo dục phổ thông đồng đều giữa các vùng, duy trì vững chắc và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; thực hiện tốt công tác quản lý, giảng dạy học sinh bán trú, công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trong các trường THPT; góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

bna_-a-loi.jpg
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đào Quang Lợi làm rõ ý kiến các đại biểu quan tâm. Ảnh: TL

Tuy nhiên, ý kiến các đại biểu băn khoăn về quy định mức hỗ trợ cho giáo viên làm việc trực tiếp và gián tiếp; hỗ trợ kinh phí các môn kỹ năng sống; cần quan tâm công tác quản lý các cơ sở nội trú... Các đại biểu đề nghị, nội dung nghị quyết cần quy định rõ đối tượng áp dụng, cần mở rộng các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính khả thi cơ chế, chính sách của nghị quyết.

bna_-a-quang.jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang báo cáo nội dung Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Đức. Ảnh: TL

Thống nhất thông qua nội dung dự thảo Nghị quyết; Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu, bổ sung điều chỉnh lại phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, chính sách hỗ trợ, hoàn thiện thể thức nghị quyết của HĐND tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo cần rà soát, đối chiếu quy định công nhận các trường đủ tiêu chuẩn được thụ hưởng chính sách này và hoàn thiện hồ sơ trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.

bna_-db2.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thẩm tra. Ảnh: TL

Cũng tại phiên thẩm tra, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Đức.