Trong số này, Nghệ An có 2 di sản, gồm: Lễ hội đền Yên Lương (thị xã Cửa Lò) và Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (huyện Đô Lương).

Lễ hội đền Yên Lương, hay còn gọi là Lễ hội “Phúc Lục Ngoạt”, diễn ra vào dịp trung tuần tháng 6 âm lịch, gắn với di tích đền Yên Lương ở phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò. “Lục ngoạt” có nghĩa là: “Lục” là số 6, tháng 6 và 6 lễ tổng hợp (gồm lễ báo cáo thiên địa, lễ thỉnh, lễ rước vong nghênh, lễ cầu ngư, lễ tế, lễ tạ), cũng là 6 tuần thượng, trung hạ tuần; “ngoạt” là định kỳ của ngày lễ, là nghi thức không thể thay đổi).

le-dai-te-tai-le-hoi-den-yen-luong-5572.jpg.webp
Lễ Đại tế tại Lễ hội đền Yên Lương. Ảnh tư liệu Đình Tuyên

Lễ được tổ chức 3 năm một lần vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu vào 3 ngày 14, 15, 16 tháng 6 (âm lịch). Đây là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Nghệ, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương về tham dự.

Còn Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan ở xã Tràng Sơn (Đô Lương) được tổ chức nhằm tưởng nhớ ghi ơn công lao to lớn của Thái Phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan và các vị nhân thần của dòng họ Nguyễn Cảnh.

Thái Phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan sinh năm Tân Tỵ 1521, là người thông minh trí dũng, văn võ song toàn, một lòng yêu nước thương dân. Sinh ra và lớn lên vào thời kỳ đất nước loạn lạc, ông trở thành dũng tướng của nhà Lê và lập nhiều công lao khi chinh chiến với quân nhà Mạc.

Năm 1576, trên đường hành quân về Thanh Hóa ông bị thuộc tướng của mình phản bội, chỉ điểm cho quân nhà Mạc mai phục bắt sống. Dụ dỗ mãi không được, kẻ thù đã hãm hại ông trong ngục. Ngày 16 tháng 9 năm Bính Tý 1576 ông qua đời, thọ 57 tuổi.

Để tỏ lòng kính trọng và thương tiếc ông, Vua Lê cho tổ chức lễ Quốc tang. Năm 1602, Triều đình truy tặng ông 8 chữ "Hùng Nghị Khuông Tế Trạch Dân Đại Vương". Đồng thời, nhà vua sai Quốc Sư Chính Hòa đưa hài cốt cát táng tại xứ Chọ Mây trong dãy núi Cấm và xây dựng ngôi đền thờ lớn trên bờ Lam giang thuộc xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An để nhân dân hương khói phụng thờ.

bna-le-hoi-den-nguyen-canh-hoan-8387.jpeg.webp
Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan được tổ chức vào năm Giáp Ngọ 2014. Ảnh tư liệu baonghean.vn

Năm Giáp Thìn 1664, triều đình quyết định hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng 3 âm lịch tổ chức lễ hội tại đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, và cứ đến 10 năm tức là cứ đến năm Giáp thì tổ chức đại lễ gọi là Thập niên đại lễ hội. Đại lễ hội đầu tiên tổ chức vào năm 1664 đến nay đã được 350 năm. Mục đích của lễ hội là phát huy truyền thống "trung, cần, nhân, nghĩa, bảo quốc hộ dân" của ông cha, tổ tiên. Nội dung được thể hiện bằng sinh hoạt văn hóa mang đậm sắc thái dân tộc như lễ rước, lễ dâng cỗ chay lên bàn thờ tổ tiên, đêm văn hóa hát các làn điệu dân ca xứ Nghệ, các trò chơi truyền thống của địa phương Đô Lương.

Với việc Lễ hội đền Yên Lương và Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan được vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đến nay, Nghệ An đã có 9 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

7 di sản của tỉnh đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia qua các đợt công bố trước đó, gồm: Lễ hội đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), Lễ hội đền Quả (huyện Đô Lương), Lễ hội đền Chín Gian (huyện Quế Phong), Lễ hội đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương), Lễ hội đền Thanh Liệt (huyện Hưng Nguyên), Lễ hội đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên), Nghi lễ Xăng Khan của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An.