Đảm bảo an toàn trong khai thác, vận hành
Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 21 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất 930,9 MW, gồm: Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố, Bản Cánh, Bản Cốc, Sao Va, Nậm Pông, Bản Ang, Nậm Mô, Nậm Nơn, Chi Khê, Đồng Văn, Ca Lôi, Nậm Cắn 2, Ca Nan 1, Ca Nan 2, Châu Thắng, Xoỏng Con, Nhạn Hạc A+B, Sông Quang, Khe Thơi. Ngoài ra, có 03 dự án với tổng công suất 76 MW đang thi công xây dựng gồm: Châu Thôn, Suối Choang, Bản Mồng. 01 dự án đang được UBND tỉnh xem xét cho phép tích nước: Nậm Giải (4MW).
Thực hiện Quyết định số 3554/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của UBND tỉnh, vừa qua, Đoàn liên ngành (gồm đại diện các sở, ngành Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường) đã kiểm tra công tác đầu tư xây dựng và vận hành khai thác dự án, công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Đập thủy điện Canan ở Kỳ Sơn. Ảnh TH
Qua theo dõi và kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá các hồ chứa thủy điện (trừ nội dung về đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện Bản Vẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương) cơ bản tuân thủ các quy định của Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước và Luật Phòng, chống thiên tai.
Công tác vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa bão tuân thủ các quy định trong quy trình đơn hồ và liên hồ. Vận hành hồ chứa đảm bảo dòng chảy tối thiểu đúng quy định tại giấy phép khai thác nước mặt được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
Quá trình vận hành, các chủ đập thủy điện trên địa bàn tỉnh cơ bản đã thực hiện tốt quy định về quản lý an toàn đập. Tại thời điểm kiểm tra, bằng trực quan không phát hiện dấu hiệu gây mất an toàn cho đập và hồ chứa; thực hiện tốt các công điện chỉ đạo của các cấp trong công tác phòng chống thiên tai; cơ bản thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý đầu tư và quản lý chất lượng công trình xây dựng. Các hạng mục công trình được tổ chức lập kế hoạch kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ theo quy định tại quy trình bảo trì các hạng mục công trình của Công ty ban hành. Tất cả các công tác kiểm tra, bảo dưỡng sau khi thực hiện được ghi chép, tổ chức đánh giá để theo dõi tình trạng của công trình, đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, vận hành.
Đoàn liên ngành kiểm tra tại thủy điện Khe Bố, Tương Dương. Ảnh: TH
Các Dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đều được UBND tỉnh hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư đảm bảo các hồ sơ, thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư 2014, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Các Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đảm bảo tiến độ được phê duyệt. Các nhà máy đang thi công (Suối Choang, Bản Mồng) đã được gia hạn Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.
Dự án Thủy điện Châu Thôn đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để gia hạn. Thực hiện cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập thủy điện theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước đúng quy định. Cơ bản thực hiện đúng các quy định của Giấy phép khai thác nước mặt và Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Thủy điện Suối Choang (Châu Khê, Con Cuông) đang thi công. Ảnh: TH
Tại thời điểm kiểm tra, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được 24/25 đơn vị thực hiện (Nhà máy Thủy điện Suối Choang xã Châu Khê, huyện Con Cuông đang trong quá trình thực hiện chuyển đổi). 21 nhà máy đang vận hành đã thực hiện việc đóng phí dịch vụ môi trường rừng hàng năm.
Quyết liệt xử lý các bất cập
Tuy nhiên, hiện nay các hồ chứa thủy điện thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa cần điều chỉnh quy trình vận hành đơn hồ, chủ đầu tư thực hiện chậm (Khe Bố, Hủa Na, Nhạn Hạc A+B, Châu Thắng). Các nhà máy Ca Lôi, Xoỏng Con, Ca Nan 2 có quy trình vận hành không còn phù hợp với tình hình thực tế cần phải điều chỉnh. Đập thủy điện Ca Lôi đã đến kỳ nhưng chưa được kiểm định; Các nhà máy Bản Cốc, Châu Thắng, Khe Bố, Chi Khê thực hiện chưa đầy đủ theo quy định trong quy trình vận hành trong mùa lũ; không có lệnh vận hành mà chỉ có các thông báo xả lũ; Bản Cánh, Châu Thắng, Nậm Cắn 2, Ca Lôi, Xoỏng Con, Sao Va, Đồng Văn, Hủa Na, Bản Cốc thực hiện chưa đầy đủ các báo cáo trước và sau mùa mưa lũ theo quy định trong quy trình vận hành.
Vẫn còn một số nhà máy chưa thực hiện đầy đủ theo quy định trong quy trình vận hành trong mùa lũ; không có lệnh vận hành mà chỉ có các thông báo xả lũ. Ảnh: TH
Các nhà máy thủy điện có vùng hạ du đập bị ảnh hưởng ngập lụt của một đập (Bản Cánh, Nậm Cắn 2, Sao Va, Bản Cốc, Xoỏng Con, Ca Lôi) chưa xây dựng và phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập thủy điện để làm căn cứ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án ứng phó tình huống khẩn cấp.
Ngoài các nhà máy Nậm Mô, Nậm Nơn, Bản Ang, Hủa Na, số còn lại bố trí vật tư, thiết bị phục vụ phương án bảo vệ đập, hồ chứa; Phương án phòng chống thiên tai; Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du; Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp chưa đầy đủ theo quy định tại các Phương án đã được phê duyệt vi phạm Nghị định số 134 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc tại thủy điện Nhạn Hạc. Ảnh: TH
Hầu hết các chủ sở hữu đập, hồ chứa chưa thực hiện việc lập kế hoạch và phối hợp với các chính quyền địa phương, BCH phòng chống thiên tai địa phương triển khai diễn tập các tình huống theo các phương án đã được phê duyệt. Công tác đảm bảo an toàn lao động một số nhà máy chưa đảm bảo như: Một số vị trí có nguy cơ mất an toàn lao động nhưng chưa có biển báo, lan can bảo vệ theo quy định. Ngoài ra, đa số phương án ứng phó thiên tai của các nhà máy thủy điện xây dựng và phê duyệt chưa đầy đủ các nội dung và tình huống cụ thể, vi phạm quy định tại Điều 22 của Luật Phòng, chống thiên tai.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: Qua kiểm tra, chúng tôi yêu cầu các chủ sở hữu, chủ đầu tư đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh vận hành phát điện đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2019/TT-BCT ngày 08/7/2019 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn.
Việc xây dựng các công trình thủy điện lớn là cần thiết, mang lại hiệu quả lớn đối với nền kinh tế. Trong ảnh: Thủy điện bản Vẽ có công suất thiết kế 320 MW. Ảnh: TH
Đoàn yêu cầu thực hiện nghiêm các phương án đã phê duyệt; Quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa và các quy định liên quan khác đã được phê duyệt nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành. Trong quá trình vận hành công trình, thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hạng mục công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong vận hành; báo cáo và xử lý ngay các nguy cơ gây mất an toàn cho đập và hồ chứa.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành
Để đảm bảo an toàn vận hành, Đoàn liên ngành đề nghị các sở, ngành liên quan: Công Thương, Xây dựng, KH&ĐT, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp&PTNT tiếp tục thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. UBND các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp: Tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, cảnh báo và an toàn cho vùng hạ du. Kiểm tra việc thực hiện các phương án đã được phê duyệt; Rà soát những vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở, lũ quét tại khu vực dự án thủy điện để đưa vào Kế hoạch và phương án phòng, chống thiên tai hàng năm của huyện.
Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và chủ đập, hồ chứa thủy điện trong việc vận hành hồ chứa theo quy trình đã phê duyệt. Chỉ đạo các UBND các xã phía trên lòng hồ kiểm tra, tuyên truyền đối với người dân có hành vi vứt rác thải sinh hoạt trôi nổi trên lòng hồ, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác gỗ rừng trồng để trôi nổi xuống lòng hồ.
Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục các tồn tại sau kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương để được xem xét, chỉ đạo.
Thu Huyền