Chiều 5/12, Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành thảo luận tại hội trường.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Công Văn (huyện Nghi Lộc) lo lắng trước tình trạng sạt lở, lũ ống, lũ quét mỗi khi mưa xuống. Trong khi đó, việc ứng xử đang theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng", giải quyết hậu quả chưa thực sự chủ động...
Đại biểu đề nghị tỉnh cần xây dựng đề án tác động ảnh hưởng biến đổi khí hậu và môi trường, phòng chống sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Làm rõ băn khoăn lo lắng của đại biểu Nguyễn Công Văn, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sạt lở ven sông, ven biển, núi là vấn đề lớn, mang tính thời sự. Đối với Nghệ An, diễn biến thời tiết hết sức cực đoan, có 21/22 loại hình thiên tai theo Luật Phòng chống thiên tai.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động đánh giá các điểm nguy cơ sạt lở, tổng hợp có 449 điểm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đánh giá bằng mắt thường; để đánh giá căn cơ lâu dài, cần phải có đánh giá bằng chuyên môn.
"Ngày 8/11/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề cương đánh giá lại nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đánh giá về chất lượng công trình chống sạt lở, diễn biến sạt lở, kiểm soát phân tích đánh giá nguyên nhân, hệ thống cảnh báo, giám sát sạt lở. Với tổng 449 điểm có nguy cơ sạt lở, theo thứ tự ưu tiên phải đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng để xây dựng các công trình ở những điểm ách yếu" - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Trong những năm qua, tỉnh hết sức quan tâm phòng chống thiên tai. Theo đó, đã ban hành Nghị quyết số 09/2024/NQ-HĐND ngày 7/6/2024 quy định chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024 - 2030. Trên cơ sở đánh giá khu dân cư, hộ dân cư xen ghép có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở, trong 2 năm 2024 - 2025, tỉnh đã bố trí 42,3 tỷ đồng để khắc phục. Đề nghị các huyện trên cơ sở nghị quyết, đánh giá, tổng hợp nhu cầu, xây dựng dự án theo kế hoạch đầu tư công khắc phục sạt lở.
Trả lời làm rõ nội dung các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận tổ về nội dung phục hồi “sức khỏe” đất nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ rõ một số nguyên nhân gây ra thoái hóa đất. Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như tỉnh Nghệ An rất quan tâm về nội dung này. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh… Tỉnh đã thực hiện các mô hình nông nghiệp cũng như ban hành các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững nhằm mang lại hiệu quả trong việc cải tạo đất.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện các Đề án, tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản xuất, tiếp tục tham mưu cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp. Qua thực tiễn cho thấy, cần giảm vụ sản xuất, có thời gian cho đất phục hồi, tăng chất lượng cây trồng.
Đối với kiến nghị lựa chọn các loại cây trồng phù hợp trên địa bàn miền núi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nghệ An là địa bàn cơ bản diện tích đồi núi, đất lâm nghiệp chiếm 85%. Trong thời gian qua, diện tích đất lâm nghiệp cơ bản trồng keo.
Về chính sách hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 158, năm 2024 đã có hỗ trợ đối với cây trồng kinh doanh gỗ lớn và cây bản địa, hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; HĐND tỉnh đã có Nghị quyết 18/2021/NQ- HĐND, ngày 09/12/2021 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025.