
Có một làng quê quanh năm bốn mùa xanh tốt, quanh năm không ngớt người thăm viếng. Từ vùng núi cao phía Bắc đến đồng bằng sông Cửu Long; từ dân tộc Thái, Thổ, Tày, Nùng…đến dân tộc Ê đê, Xu Đăng, Gia Rai…Tây Nguyên Trung Bộ đều tụ tập về đây. Đó là làng Kim Liên (làng Sen) quê cha, làng Hoàng Trù (làng Chùa) quê mẹ của Bác Hồ, nằm trải tròn như chiếc lá sen dưới chân núi Chung thoai thoải. Núi Chung là một thắng cảnh mang đậm di tích lịch sử, trên núi có đền Thánh Cả, còn gọi là đền thờ Xuân Lâm tướng quân Nguyễn Đắc Đài, một vị tướng có công đánh giặc thời Trần. Trước đền có gác chuông cao, trước đây từng là chợ Cầu nơi hội tụ đông vui:
“Vui nhất là cảnh chợ Cầu
Ngoài đền Thánh Cả, trên lầu gác chuông”
Năm 1886, khi thực dân Pháp đánh chiếm xâm lược Nghệ An, tú tài Vương Thúc Mậu, người làng Sen đã lập đội “chung nghĩa binh” trên núi Chung để đánh Pháp.
Làng Sen - làng Chùa xưa nay nổi tiếng cảnh đẹp, mỗi khi xuân đến hè sang sen nở đầy hồ toả hương thơm ngào ngạt.
“Nhất vui cảnh thú Kim Liên
Vui chùa nhờ Tượng, vui sen nhờ hồ”
Và “Làng chùa mến cảnh vui thay
Trên chùa dưới giếng đã say lòng người”
Nơi đây nằm trong những cái nôi của làn điệu dân ca, sinh hoạt tinh thần nổi tiếng của xứ Nghệ. Những đêm thu gió mát trăng thanh điệu hát đò đưa “như nhớ thương người theo nhịp mái chèo từ sông Lam vọng lên hoà với tiếng hát Ví, hát Giặm, hát phường vải “êm êm như liễu, nhẹ nhàng như tơ”, ở làng Sen - làng Chùa và các làng ở hai bên bờ sông gợi lên trong lòng người mốt tình quyến luyến quê hương. Những câu ca dao đã bồi đắp cho con người ở đây một vốn văn nghệ dân gian phong phú, một cuộc sống lành mạnh, chan chứa tính lạc quan cách mạng yêu đời.
“Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục
Thì mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh
Thuyền em lên thác xuống ghềnh
Nước non là nghĩa là tình ai ơi…”
Ngoài những làn điệu hát Ví phường vải, hát Ví đò đưa, hát Giặm, tâm hồn người làng Sen – làng Chùa còn được nuôi dưỡng bằng những chuyện cổ tích “Bắn chín mặt trời”.. “Phá cây nước trời” xây dựng hình tượng nhân vật cổ tích cố Bợ, ông Đùng, ông Bát Ngạo…mang tâm hồn lãng mạn tích cực, xem thường hiểm nguy, vật chất tầm thường hàng ngày trong cuộc sống.

Nơi đây từ xưa đã nổi tiếng về thuần phong mỹ tục có truyền thống hiếu học lâu đời. Những năm đầu thế kỷ 20, vùng Nam Đàn có bốn người học giỏi nổi tiếng được Nhân dân suy tôn “Nam Đàn tứ hổ” thì làng Sen - làng Chùa đã chiếm tới 2 người. Cụ Vương Thúc Quý (thầy học của Bác Hồ) và Trần Văn Lương (thông minh không ai bằng Vương Thúc Quý, nhớ lâu không ai bằng Trần Văn Lương) cả hai đều đỗ đồng khoa cử nhân năm 1891. Cụ Tú, ông Cử ở làng Sen – làng Chùa không hiếm, phải đợi đến cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân mẫu của Bác) mới là người đỗ khoa thi hội đầu tiên (năm 1901) của làng. Tuy đậu Phó bảng nhưng cụ Sắc cùng các con sống rất thanh đạm hoà mình với quần chúng làng Sen - làng Chùa. Cụ thường lấy câu “Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng” (Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình) để dạy con cái. Trong các buổi đàm luận việc nước, cụ thường phê phán lối học chữ Hán đương thời là “Chi điệp, Chi văn” (lối văn trên cành trên lá) và hướng con cháu trong làng đi theo lối học thiết thực.
Con người làng Sen - làng Chùa từ xưa giàu lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, tú tài Vương Thúc Mậu đã ứng nghĩa lập đội “chung nghĩa binh” đánh Pháp thắng nhiều trận, bị giặc Pháp bắt tra tấn dã man, nhưng trước sau cụ vẫn giữ vững khí tiết, vang lời nguyền giặc:
"Cây đón gió vang lời chửi giặc
Áo tràn lệ dội tiếng hô quân”
Sự hi sinh của cụ Tú Mậu đã ảnh hưởng sâu sắc đến lớp con cháu làng Sen -làng Chùa. Cụ Vương Thúc Quý nuôi chí của cha tiếp tục chống Pháp dưới ngọn cờ “Đông Du, Duy Tân” của Phan Bội Châu. Cụ đã mở trường dạy học tuyên truyền tinh thần yêu nước, vừa là nơi đàm luận của các sĩ phu. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ) là học trò đã từng chứng kiến mỗi khi lên lớp thầy Quý đều thắp hương lên bàn thờ cha cốt làm cho học sinh tưởng nhớ ơn người đã hi sinh vì nước.
Làng Sen còn sản sinh ra người con gái “Trong tù không ai lạ, ngoài tỉnh cũng tiếng ran” là cô Nguyễn Thị Thanh (chị ruột Bác Hồ) từng tham gia hoạt động phong trào yêu nước, hy sinh cả tình riêng cho quê hương đất nước:
“Trước biết chữ sinh sau chữ hiếu
Trên lo vì nước dưới vì nhà”.
Đến cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, làng Sen - làng Chùa trong hai năm liền (1930-1931) là nơi cơ quan Đảng bộ huyện Nam Đàn tổ chức chỉ đạo phong trào. Dân làng Sen-Làng Chùa đã anh dũng tham gia các cuộc biểu tình tranh đấu dưới cờ Xô Viết và giữ vững phong trào đến lúc giành chính quyền sớm nhất huyện Nam Đàn trong ngày tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945.

Làng Sen - làng Chùa mang đậm nét văn hoá, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, Bác Hồ kính yêu đã sinh dưỡng trong cái nôi đậm nét văn hoá đó, được nuôi dưỡng bằng cả tấm lòng thương yêu đùm bọc của bà con xóm làng đầm ấm, bằng hương thơm sữa ngọt quê hương.
Sau 50 năm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, mỗi khi nghe người mẹ Việt kiều ru con bằng làn điệu dân ca, Người bùi ngùi xúc động nhớ quê hương tha thiết:
"Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”
Năm 1957, Bác về thăm quê hương lần đầu, gặp lại bà con quê hương làng Sen - làng Chùa, người vui mừng đến chảy nước mắt đọc luôn câu ca:
“Quê hương nghĩa nặng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”
Câu Ví của Người gợi nhớ giọng hát phường vải, nhớ tiếng mẹ ru con năm nào thời thơ ấu mà sao thấm thía lòng người.
Bác đi thong thả, thăm già hỏi trẻ, hơn 50 năm xa cách mà đường đi lối lại Bác vẫn nhớ. Thăm bà con chòm xóm Bác vẫn nhắc đến tên cũ. ''Sân vườn nhà Bác ngày trước đâu có rộng thế này, ngõ vào nhà cũng không đúng hướng cũ''. Người xúc động khi nhìn thấy những kỷ vật thân thương của gia đình mình ngày trước, nay vẫn còn. Hai bàn tay của Bác cảm động run run sờ lên chiếc rương gỗ đặt ở gian thứ hai: “Ồ, chiếc rương gỗ đựng thóc ngày xưa của mẹ tôi vẫn còn”. Rồi Người ra ngồi trước thềm nhà để tiếp chuyện thân mật với bà con. Bác góp ý cho cán bộ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện: Xây dựng bảo tàng với nhà khách làm gì vội để dành công sức, vật liệu và tiền tài xây dựng trường học và nhà giữ trẻ để nuôi dạy các cháu. Địa phương cố gắng nâng cao đời sống Nhân dân, các cụ phụ lão yên tâm với tuổi già, các cháu không còn đau mắt, hết cảnh bụng ỏng đít beo, đến tuổi đều được đi học cả…

Người bồi hồi xúc động trước ngôi nhà tranh mà Người đã cất tiếng chào đời thủa ấu thơ. Vào thăm viếng nhà thờ họ Hoàng Xuân, thấy đồ thờ trên bàn vẫn được giữ nguyên, hương khói sạch sẽ trang nghiêm, Người rất món nguyện rồi sang nhà ụng Ngoại. Trước bàn thờ ông, hương thơm phảng phất, Người đứng lặng im bồi hồi xúc động, hỡnh ảnh ụng ngoại năm xưa nay lại hiện về. Tiếng bé Côn tíu tít chạy theo ụng, được ông bồng bế nâng niu đi hái hoa bắt bướm…


Nhân dân làng Sen - làng Chùa nhớ tới lời dặn của Người về thăm quê năm ấy, thấm thoắt đã 60 năm ơn Người càng ra sức xây dựng làng quê giàu đẹp để thoả lòng mong muốn của Người và cũng rất tự hào với cả nước là đã có công sinh dưỡng ra lãnh tụ kính yêu - Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính Người đã làm rạng rỡ cho quê hương đất nước.
Làng Sen - Làng Chùa - Quê Bác - Nam Đàn đối với chúng ta hôm nay đâu chỉ là riêng quê Bác mà đã trở thành quê chung của cả dân tộc.
Trần Hữu Đức (biên soạn)