Trong Lễ Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du (được công nhận 2013) vào tối 5-12-2015 tại thành phố Hà Tĩnh, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định: “Tầm vóc của Nguyễn Du không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn ở cả nhân loại. Ở tác phẩm Nguyễn Du, có mối liên hệ chặt chẽ với các lĩnh vực trọng tâm của UNESCO, tiêu biểu như khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa và còn có cả mối liên hệ với bình đẳng giới”.

khu-luu-niem-1-1577294657.jpg
Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du

***

Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn) là hai tác phẩm có tính phổ biến nhất, thể hiện cao độ nhất trình độ nghệ thuật, giá trị nhân đạo và tư tưởng vượt thời đại của Nguyễn Du.

Nếu ở Truyện Kiều, Nguyễn Du không cho Thúy Kiều bước ra khỏi xã hội quen thuộc của mình để lăn lóc vào những khổ ải trần gian - có khi bước đến tột đỉnh quyền lực - thì triết lý nhân sinh của Nguyễn Du không thấu đến mọi cảnh ngộ và hai cõi xưa sau.

Nếu ở Truyện Kiều, Nguyễn Du tìm được một chữ, chữ Tâm (Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài) để chỉ hướng tu luyện và giải thoát ở cõi tục; thì ở Văn Chiêu hồn, Nguyễn Du tìm được một chữ Độ (Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài) để chỉ hướng cho thái độ ứng xử giữa con người với con người; giữa con người với những ẩn ức trần gian hay đối với cả hồn ma bóng quỷ để làm cho mọi thế giới được trở về an bằng, chính đạo, nhất là con người nên tự độ để tự giải thoát khỏi sinh – diệt, luân hồi.

***

Là một nhà nghệ thuật, với Văn Chiêu hồn, Nguyễn Du góp phần làm cho song thất lục bát trở nên điêu luyện, tiếng Việt lung linh. Nhiều hình ảnh trở thành những biểu tượng văn hóa, những ngữ liệu văn chương: Não người thay buổi chiều thu/ Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng;Dãi thây trăm họ làm công một người; Đòn gánh tre chín dạn hai vai...

vante.jpg
Văn tế chiều hồn

***

Là một nhà nhân đạo, Nguyễn Du bày tỏ tình thương của mình rộng khắp tới mọi kiếp người, mọi “cô hồn”, dù khi sống họ có thể sai lầm và gây tội.

“Thập loại” là một con số ước lệ. Được tế độ trong Văn Chiêu hồn gồm một phổ rộng khắp, cụ thể mà khái quát:

-Những kẻ mang chí lớn, mưu cao (tầm vua chúa) kiêu hãnh “những lăm cất gánh non sông”;

-Những phụ nữ quyền quý “màn loan trướng huệ”;

-Những bậc công khanh “mũ cao áo rộng”;

-Những võ tướng “bài binh bố trận”;

-Những nhà giàu “tính đường trí phú”;

-Những nho sĩ “rắp cầu chữ quý”;

-Những kẻ giang hồ, buôn lớn “vào sông ra bể”;

-Những người buôn bán nhỏ, mưu sinh “đi về buôn bán, đòn gánh tre chín dạn hai vai”;

-Những binh lính;

-Những phụ nữ bán hoa;

-Những người ăn mày;

-Những kẻ “mắc oan tù rạc”;

-Những tiểu nhi chết trẻ;

-Những người chết “bất đắc kỳ tử” nơi sông suối, đường sá, không được chết cái chết bình thường.

Tôi không biết Nguyễn Du có tin vào sự luân hồi hay không, có tin vào phép Phật linh thiêng có thể cứu độ để cho tất cả hồn ma không phải đọa đày nơi ngục tối, thảy đều được giải thoát, siêu thăng thượng đài; nhưng lời chan chứa yêu thương, bao dung cảm động:

Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ

Phóng hào quang cứu khổ độ u

Rắp hòa tứ hải quần chu

Não phiền trút sạch oán thù rửa không...

Nhờ đức Phật thần thông quảng đại

Chuyển pháp luân tam giới thập phương

Nhơn nhơn Tiêu Diện đại vương

Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh.

Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh

Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao.

Mười loài là những loài nào?

Gái trai già trẻ đều vào nghe Kinh.

Kiếp phù sinh như hình như ảnh

Có chữ rằng: ”Vạn cảnh giai không”

Ai ơi lấy Phật làm lòng

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi...

***

Nguyễn Du chỉ đỗ Tam trường (Tú tài), bậc học vấn bên trên còn Cử nhân, Tiến sĩ, Minh kinh bác sĩ. Ông chỉ sống có 56 tuổi (1765-1820). nhưng đầu ông là một “tàng kinh các”, một kho sách đồ sộ chứa đủ Nho, Phật, Lão, bách gia..

Và trong quãng sống không dài ấy, ông nếm đủ mọi mùi vinh hoa phú quý cũng như trầm luân cay đắng của đời người. Ông đã từng cực vinh hiển khi cha và anh là Tể tướng, phủ đệ lừng lẫy ở Thăng Long, bản thân cũng có thời làm quan cho nhà Nguyễn, được thăng chức liên tục. Nhưng ông cũng có những ngày cơ cực, đói rét, cơm không có ăn, bị ghẻ lạnh, xua đuổi đến nỗi phải sống lánh, sợ cả tiếng người. Nhà nghiên cứu Trương Chính viết trong Lời tựa cho sách “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” in lần đầu (Văn học, 1965): “Cuộc sống “mười năm gió bụi” từ 1786 đến 1795 của Nguyễn Du như thế nào, thì ông đã phản ảnh rõ trong Thanh Hiên thi tập. Suốt mười năm ấy, nay đầu sông, mai cuối bể, ăn nhờ ở đậu, túi rỗng không, đau ốm liên miên, nghèo không tiền mua thuốc, nhiều lần muốn về quê nhà ở Hà Tĩnh, nhưng ở đó nhà cũng không có, mà anh em thì mỗi người một ngả… Đến khi được trở về nhà (làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An) thì ông đã là nhà nho mới hơn ba mươi tuổi mà tóc đã bạc trắng, bệnh tật, có lúc bệnh mấy tháng liền mà chỉ nằm chờ chết, trong nhà bếp lạnh tanh”…

Học vấn và thực tế cuộc sống ấy đã làm nên Nguyễn Du, một nhà tư tưởng lớn.

Lớn như thế nào?

Ta hãy nghe Nguyễn Du bình phẩm, so sánh với một số nhân vật lịch sử qua thơ chữ Hán của ông. Ông chê Mã Viện khi mải miết đi kiếm công danh khi biết hối hận thì đã muộn (Thơ đề miếu Mã Viện ở Đại Than). Ông đồng cảm, xếp mình với hai nhà thơ Đường Vi Ứng Vật và Lư Chiếu Lân, coi nhà thơ là hòn núi lớn chứa đầy báu vật, như con hạc lẻ bay khỏi bụi trần (Đại sơn hưng bảo tạng/ Độc hạc xuất phong trần – Đề Vi, Lư tập hậu). Ông ví mình, thấy mình gần nhất với Đỗ Phủ trong tình yêu nước thương dân, trong sự trung nghĩa, trong thơ hay truyền đời và vì cùng khổ nên thơ hay (Dị đại tương liên không sái lệ/ Nhất cùng chí thử khởi công thi – Mộ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương). Tô Tần là một thuyết khách nổi tiếng thời Chiến quốc, bày hết chước liên hoành đến chước hợp tung, lúc phò nước này, lúc phò nước khác, bị Nguyễn Du chê là chỉ khua môi múa mép lừa bọn vua chúa tầm thường, kiếm phú quý chỉ để vênh vang với vợ con, trả mối thù vặt (Tung hoành tự khả ngu dung chúa/ Phú quý hoàn năng cự quả thê – Đình Tô Tần). Lưu Linh, một trong Trúc lâm thất hiền đời Tấn, được người Trung Quốc đờì đời coi là ông tiên, ông chúa rượu; bị Nguyễn Du chê cũng là hạng tầm thường; khi say đã biết muôn chuyện như nhau, thế mà còn sợ mất xác khi chết (Túy lý dĩ năng tề vạn vật/ Tử thời hà tất niệm di hài?- Lưu Linh mộ). Sở dĩ bị Nguyễn Du chê vì Lưu Linh thường ngồi xe hươu kéo cùng với bầu rượu, sai người vác cuốc theo sau, huênh hoang để tiện chết đâu chôn đấy!

Thái tử Chiêu Minh vương nhà Lương (501-531) là một nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng, tác giả của “Văn tuyển”, một bộ lịch sử văn học rất có giá trị. Vậy mà, Nguyễn Du cho rằng hai cha con vua Lương Vũ Đế - Chiêu Minh “Cảnh giới Sắc Không mờ mịt không hiểu” (Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài). Ông (Nguyễn Du) từng nói mình đã đọc Kinh Kim Cương hàng nghìn lần, và nhận ra kinh “không chữ” mới thật là chân kinh!

Mới biết, Nguyễn Du giác ngộ Phật pháp cao đến mức nào!

***

Trong Thị đệ tử, Thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1025) từng viết, Thân như bóng chớp có rồi không nghĩa là thân xác người ta, cái vật chất thấy được chỉ như một ánh chớp, có đấy mà không đấy, không đấy mà lại có; thịnh hay suy, chỉ như giọt sương, thế nào cũng tan, lần lượt đắp đổi, chẳng có gì đáng để lo lắng, sợ hãi. Thiền sư lại nói với học trò: “Ta không lấy chỗ trụ mà trụ, cũng chẳng dựa chỗ vô trụ mà trụ"... Một lát sau thì qua đời. Phật giáo vào Việt Nam khá sớm, đến thế kỷ X thì đã đạt đến đỉnh cao, thấy được sự vô cầu vô kỷ, thấu suốt trước sau; thấy được Phật tại Tâm, sẽ được phát triển sau đó ở Trần Cảnh (Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần) qua lời nói của nhà sư Phù Vân: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lại và trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật”.

Nguyễn Du viết: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, là có mối liên hệ sâu xa với Phật lý này.

Nguyễn Du là một nhà cách mạng xã hội với màn Thúy Kiều báo ân báo oán thỏa dạ người đọc. Sự giải phóng này, cuộc cách mạng này đến từ bên ngoài, do một anh hùng là Từ Hải mang đến và chúng ta thường thấy trong lịch sử.

Mắt nhìn của chúng ta, mong ước của người bình thường, chỉ dừng lại ở chỗ đấy!

Nguyễn Du còn đi xa hơn, cao hơn là trở thành một người chỉ đường cho cuộc cách mạng giải phóng cá nhân. Cuộc cách mạng này phải tự tâm, tự mọi người làm lấy và là cuộc cách mạng triệt để nhất.

Có thể nói, Thúy Kiều từng là kết tinh của tinh hoa tư tưởng Nho giáo với trung hiếu tiết nghĩa, tài sắc vẹn toàn. Vậy nhưng chính nàng, một thân bèo, nhánh liễu – chứ không phải là một nhà tư tưởng nào khác, đã giải phóng con người khỏi câu thúc, ràng buộc của thế giới Nho giáo từng thống trị và ám ảnh con người từ nghìn xưa, một cách nhẹ nhàng với những quan niệm mới mẻ, đầy sức thuyết phục về trung hiếu tiết nghĩa, về tình yêu và sự thủy chung.

ea6398e8-3c3c-4489-8e2d-9f92207d8f22.jpg
Tác phẩm Truyện Kiều

Ở Văn Chiêu hồn, Nguyễn Du thôi thúc mạnh mẽ hơn công cuộc giải phóng cá nhân này.

Nguyễn Du thường nghĩ và xót thương cho sự mê lạc của con người:

Cổ nhân phần dinh dĩ luy luy

Kim nhân bôn tẩu hà phân phân?

(Mả xưa đàn đã nối đàn

Người nay xuôi ngược rộn ràng làm chi?- Hành lạc từ).

Trong Văn Chiêu hồn, ông xót thương và cảnh báo cho những kẻ (vua chúa) thường kiêu hãnh nắm vận nước rằng Giàu sang càng nặng oán thù/ Máu tươi lai láng xương khô rụng rời; cảnh báo những kẻ làm quan mũ cao áo rộng Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm/ Trăm loài ma mồ nấm chung quanh; cảnh báo những kẻ giàu có: Của phù vân dẫu có như không/ Sống thời tiền chảy, bạc dòng/ Thác không đem được một đồng nào đi...

***

Tháng bảy, tháng cô hồn, mùa “xá tội vong nhân”, khi mà thế giới người sống nghĩ nhiều hơn về cái chết, về thế giới bên kia – cũng là tương lai của mình; đọc lại Văn Chiêu hồn của Nguyễn Du càng thấy thêm nhiều ý nghĩa.

Thấy được tình thương mênh mông của ông đối với những phận đời không may, nhất là phụ nữ và trẻ em: Đau đớn thay phận đàn bà, Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu; Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé/ Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha/ Lấy ai bồng bế xót xa/ U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng...; cùng xót xa với bao nhiêu con người chết rồi còn chịu cảnh Dãi dầu trong mấy mươi năm/ Thở than dưới đất ăn nằm trên sương.

Nhưng điều lắng sâu, đáng suy nghĩ hơn là tự đặt câu hỏi ta đang bôn tẩu về đâu, đang tham dục, tranh cướp điều gì? Cố chấp điều gì?

Và ta phải làm gì để giải thoát, giải phóng cho ta. Vì:

Kiếp phù sinh như hình như ảnh

Có chữ rằng: ”Vạn cảnh giai không”

Nên:

Ai ơi lấy Phật làm lòng

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi...

Siêu thoát không có gì xa lạ, không phải không làm được, thậm chí rất dễ, vì Phật tại Tâm, tất cả ở lòng mình!

7-2022

Nguyễn Sĩ Đại