Đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan về kết quả thực hiện Luật

Chuyên đề giám sát đầu tiên của Quốc hội Khóa XV về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” được thực hiện nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan để từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch.

ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch; triển khai tích cực công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; đưa vào vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; ban hành danh mục các quy hoạch và đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm. Tuy nhiên, theo đại biểu tỉnh Hưng Yên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế, trong đó có hạn chế là một số quy định pháp luật về quy hoạch chưa đồng bộ và không còn phù hợp với thực tiễn, vẫn chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan đến chi phí cho hoạt động quy hoạch ban hành thiếu hoặc chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động quy hoạch. “Một số quy định về đấu thầu, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch được ban hành trước khi có Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công có hiệu lực nên chưa có sự đồng bộ giữa quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đầu tư công và pháp luật về quy hoạch”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nhận định.

db03-1653881080758.jpgĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu. Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng vì muốn có dự án tốt, có nguồn đầu tư tốt, sử dụng hiệu quả đầu tư công và phát triển kinh tế xã hội thì phải có quy hoạch tốt, nên “quy hoạch phải đi trước một bước”.

Để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị, công tác quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới; Luật Quy hoạch và các quy định pháp luật có liên quan. Quá trình lập quy hoạch phải bám sát thực tiễn, đánh giá được tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng bộ, ngành và các địa phương. Đồng thời phải đánh giá toàn diện, đầy đủ những khó khăn, thách thức của ngành, địa phương, đơn vị mình để có quy hoạch phát triển kinh tế xã hội phù hợp.

Một yêu cầu khác cũng được đại biểu Nguyễn Đại Thắng đưa ra là các Bộ, ngành, địa phương phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch phải xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và các nguồn lực khác trong công tác quy hoạch. Trong đó, đại biểu lưu ý, “cần xây dựng cơ sở dữ liệu để tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu việc xây dựng quy hoạch vì sự phát triển chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc không cục bộ mình”. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp để nâng cao hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia nhằm kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật với quy hoạch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch.

giam-sat-qh03-1653881136128.jpgQuang cảnh Phiên họp sáng 30.5. Ảnh: Quang Khánh

Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu

Các ĐBQH cũng nhấn mạnh, trong khi lập quy hoạch phải đặc biệt chú ý chất lượng quy hoạch, đồng thời làm tốt công tác quản lý quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh quy hoạch. Việc quy hoạch phải điều chỉnh là một minh chứng chất lượng quy hoạch chưa được tốt, quy hoạch chưa có tầm nhìn chiến lược dài hạn và chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm thực hiện tổng kết thực hiện Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đấu thầu và các quy định pháp luật có liên quan thực hiện rà soát để bổ sung, ban hành mới, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

giam-sat-qh02-1653881202549.jpgChủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát. Ảnh: Quang Khánh

Trước đó, trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nêu rõ một hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch: Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về quy hoạch lần đầu tiên được triển khai trong khi các Bộ, ngành và địa phương sử dụng các định dạng khác nhau, không thống nhất về chuẩn dữ liệu về quy hoạch.

Đoàn giám sát cho rằng những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch bất cập còn do nguyên nhân tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, địa phương còn nhiều hạn chế.

Trên cơ sở kết quả giám sát, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Trong đó, Đoàn giám sát yêu cầu, Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp trong việc nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch; cập nhật, chia sẻ thông tin; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.

P.Thủy