Chiều nay, 25.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); cho rằng, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp cũng như chính sách dân tộc và đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Đối với vấn đề còn ý kiến khác nhau về thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề tại Tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án về thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề cùng với các ưu, nhược điểm.
Theo đó, Phương án 1, Chính phủ đề nghị giao Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề như quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật. Phương án 2, giao Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề và giao các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cũng như các điều kiện về sức khỏe, điều kiện về không thuộc trường hợp bị cấm để thực hiện việc cấp phép hành nghề.
Ủy ban Xã hội thấy rằng, theo phương án 1, Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề như quy định tại Khoản 1, Điều 26, tức là thực hiện chức năng như các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong khi chưa rõ địa vị pháp lý của tổ chức này cũng như chưa quy định rõ cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là chưa phù hợp. Có ý kiến đề nghị chưa quy định nội dung này vào dự thảo Luật mà nên "thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề” như Nghị quyết 20-NQ/TW và tiến hành tổng kết làm cơ sở để luật hóa.
Tán thành với phương án 2, Ủy ban Xã hội nêu rõ, quy định như vậy là phù hợp, bảo đảm tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Về quan điểm xây dựng dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đó là tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân. Đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh…
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 Chương và 106 Điều, thêm 3 Chương (chương VI, X, XI) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Trung Thành