Một số vấn đề cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030
Chủ động từ sớm
Chất lượng đội ngũ cấp ủy có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ cả nhiệm kỳ ở từng tổ chức Đảng. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ đại hội 2025 - 2030 được cấp uỷ các cấp trong tỉnh chủ động “từ xa, từ sớm”.
Ngoài quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; từ tỉnh đến cơ sở rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030 ngay từ cuối năm 2023 và thêm 1 cuộc rà soát, bổ sung hoạch vào đầu năm 2024. Hiện tại, các cấp uỷ cũng đang tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch để chuẩn bị nhân sự cho đại hội nhiệm kỳ 2025 – 2030 với mốc yêu cầu của tỉnh là hoàn thành trong tháng 10/2024 này. Tỉnh ủy và cấp ủy một số địa phương như thành phố Vinh, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên, Con Cuông… đã tổ chức điều động, luân chuyển, sắp xếp một số vị trí, chức danh công tác tại một số sở, ban, ngành cấp tỉnh và phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, cùng một số vị trí chủ chốt ở cơ sở
Công tác chuẩn bị đại hội các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng hiện đang được các cấp ủy ở Nghệ An tập trung triển khai chỉ đạo theo quy trình và tiến độ.
Ở Đảng bộ xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc), cấp uỷ xã đã quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; đồng thời hoàn thành việc thành lập các tiểu ban, gồm tiểu văn kiện, tiểu ban nhân sự, tiểu ban tuyên truyền và tiểu ban phục vụ đại hội. Hiện tại, Đảng ủy xã đang tập trung chỉ đạo, trực tiếp làm việc với các cấp ủy chi bộ, rà soát nhân sự chuẩn bị đại hội chi bộ trực thuộc với mốc thời gian hoàn thành trong tháng 12/2024; bầu trưởng thôn trước với yêu cầu trưởng thôn là đảng viên để giới thiệu bầu vào cấp ủy chi bộ và bầu giữ chức phó bí thư chi bộ, đảm nhận trách nhiệm trưởng thôn.
Đồng chí Trần Văn Bình - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Lâm cho biết: Đối với cấp ủy cơ sở, về nhân sự, thuận lợi là đội ngũ cán bộ, công chức đã được quan tâm đào tạo. Trong tổng 23 chức danh cán bộ chuyên trách và công chức, hiện có 19 người có trình độ chuyên môn đại học trở lên, 4 người có trình độ trung cấp; 23/23 người có trình độ chính trị trung cấp. Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xây dựng nhân sự cho nhiệm kỳ mới 2025 – 2030 được cấp ủy bám sát tinh thần đổi mới công tác cán bộ và công tác nhân sự của Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An và Huyện ủy Nghi Lộc nhằm xây dựng đội ngũ cấp ủy nhiệm kỳ mới có đủ tiêu chuẩn, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ở huyện Yên Thành, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã tổ chức điều động, luân chuyển 8 cán bộ; trong đó có điều động, luân chuyển 4 trưởng, phòng, ngành cấp huyện về đảm nhận vị trí chủ chốt cấp xã; điều động, luân chuyển 2 cán bộ cơ sở lên công chức huyện và điều động, luân chuyển 1 cán bộ chủ chốt xã sáp nhập sang xã không sáp nhập, luân chuyển ngang 1 cán bộ cấp huyện.
Việc điều động, luân chuyển, sắp xếp này, theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thị Kim Anh - Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, nhằm tăng cường công tác chỉ đạo Đại hội Đảng cho cơ sở, vừa ổn định một bước về tổ chức bộ máy để xây dựng đề án nhân sự, đặc biệt xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp có năng lực, trình độ, uy tín, lãnh đạo triển khai thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ mới đạt hiệu quả cao.
Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cũng đang được Đảng ủy xã Tăng Thành (huyện Yên Thành) tập trung theo từng bước với yêu cầu chất lượng. Trước mắt, chỉ đạo bầu xóm trưởng với mục tiêu đặt ra là 100% xóm trưởng phải là đảng viên để giới thiệu bầu vào cấp ủy chi bộ nhiệm kỳ 2025 - 2027.
Về nhân sự cho cấp uỷ xã, đồng chí Lê Mạnh Giám - Bí thư Đảng ủy xã Tăng Thành cho biết: Hiện 100% cán bộ chuyên trách và công chức xã có trình độ chuyên môn đại học và chính trị trung cấp; người hoạt động không chuyên trách có 70% trình độ chuyên môn đại học và 50% trình độ chính trị trung cấp. Bởi vậy, xét về tiêu chuẩn, điều kiện nguồn để xây dựng nhân sự cấp uỷ cho nhiệm kỳ mới là rất yên tâm. Tuy nhiên, quá trình xây dựng đề án nhân sự cấp uỷ, ban thường vụ của nhiệm kỳ tới, Thường trực, Ban Thường vụ Đảng uỷ xã đã họp bàn và thống nhất quan điểm, bên cạnh đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện thì phải chú trọng năng lực, tinh thần nhiệt huyết của cán bộ, đồng thời vừa thực hiện đào tạo cán bộ kế cận để đưa vào đề án nhân sự.
Một số vấn đề cần hướng dẫn cụ thể
Công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2025 - 2030 của Đảng, xét về tổng thể cơ bản là thuận lợi khi công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ được triển khai bài bản ở các cấp. Tuy nhiên, điểm mới của Chỉ thị số 35, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng với định hướng bố trí cơ cấu ban thường vụ cấp ủy cấp xã gồm các chức danh: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; nhưng chỉ có 5 thường vụ.
Hiện nay, các địa phương ở Nghệ An đang thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND, hoặc phó bí thư thường trực đồng thời là chủ tịch HĐND, phó bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã. Như vậy, ngoài 3 chức danh chủ chốt bí thư, chủ tịch HĐND; phó bí thư thường trực và phó bí thư, chủ tịch UBND xã được cơ cấu “cứng” vào ban thường vụ cấp ủy cấp xã; thì còn 3 chức danh là trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự và chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã chỉ có 2 vị trí được cơ cấu thường vụ.
Vấn đề chọn vị trí nào đang là trăn trở, băn khoăn ở cơ sở, đòi hỏi các cấp cần phải có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể và ở mỗi cấp ủy cơ sở cũng cần phải phát huy tính chủ động, cân nhắc trên tinh thần khách quan, vì việc mà cơ cấu chức danh, chứ không phải vì người mà bố trí cơ cấu.
Bên cạnh băn khoăn nêu trên, hiện 2 chức danh trưởng công an và chỉ huy trưởng quân sự xã không nằm trong quy hoạch ban thường vụ, trong khi đó, một số địa phương đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lần 2 trong năm 2024, trong quy hoạch hiện đã đủ. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm giải quyết thấu đáo, để công tác nhân sự đại hội vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đúng quy định của Đảng.
Cũng như khó khăn ở cơ sở, theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Trí An - Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vinh: Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị quy định về độ tuổi giới thiệu tham gia tái cử cấp ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên; trong khi đó, qua rà soát, hiện trên địa bàn thành phố có một số trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội ở phường, xã được cơ cấu “cứng” cấp ủy nhưng thời gian công tác còn dưới 30 tháng. Những người thuộc trường hợp này không đủ điều kiện chuyển sang công chức và nếu chuyển làm “bán” chuyên trách thì sẽ thiệt thòi cho cán bộ. Hiện, Ban Tổ chức Thành ủy Vĩnh đang rà soát, tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm có cơ chế chính sách về cán bộ cho đối tượng này.
Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu về công tác nhân sự phải bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; đề cao, coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, tăng cường ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực quan trọng, trọng yếu.
Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh: Cấp uỷ khoá mới phải tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín; thật sự trung tâm đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tầm nhìn, tư duy đổi mới, gắn bó mật thiết với Nhân dân; có năng lực lãnh đạo, cầm quyền, có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng.