Theo Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An, cần nghiên cứu để có quy định cụ thể về thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong giải quyết các công việc cấp bách phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh.

Chủ động chuẩn bị nội dung kỳ họp từ sớm

Ngay sau khi kết thúc các kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An chủ động từ sớm, từ xa, thống nhất với UBND tỉnh chương trình, nội dung, phân công nhiệm vụ, công tác chuẩn bị của kỳ họp chuyên đề tiếp theo. Qua đó, cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, nghị quyết và cơ quan thẩm tra ngay từ đầu có nhiều thời gian khảo sát, xây dựng, thẩm tra, hoàn chỉnh các nội dung của kỳ họp gửi các Tổ đại biểu, đại biểu nghiên cứu, tham gia ý kiến và trình kỳ họp đúng quy định, tiến độ, có chất lượng. Quá trình chuẩn bị nội dung kỳ họp, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm và hộp thư điện tử công vụ để trao đổi, gửi và nhận toàn bộ các tài liệu của kỳ họp.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Nam Đình, do thời gian tổ chức các kỳ họp không dài, thường chỉ trong khoảng 1 hoặc 1/2 ngày nên để kỳ họp thành công thì chương trình, kịch bản cần chuẩn bị kỹ lưỡng, việc điều hành của chủ tọa phải chặt chẽ, khoa học, có trọng tâm, linh hoạt và ngắn gọn; chú trọng đến những vấn đề còn ý kiến khác nhau, tăng cường trao đổi, đối thoại, tranh luận; tiến hành thảo luận tổ nếu cần thiết và tổ chức thảo luận kỹ tại hội trường. Việc chỉnh lý, ký ban hành các nghị quyết cần thực hiện trong 3 ngày làm việc kể từ ngày được biểu quyết thông qua, làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo.

T%C4%83ng%20c%C6%B0%E1%BB%9Dng%20%E1%BB%A9ng%20d%E1%BB%A5ng%20c%C3%B4ng%20ngh%E1%BB%87%20th%C3%B4ng%20tin%20trong%20ho%E1%BA%A1t%20%C4%91%E1%BB%99ng%20c%E1%BB%A7a%20H%C4%90ND%20t%E1%BB%89nh%20Ngh%E1%BB%87%20An%20-%20%E1%BA%A2nh%20T.%20C%C6%B0%E1%BB%9Dng.jpg Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An Ảnh: T. Cường

Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin

Hiện nay, kỳ họp chuyên đề vẫn phải bảo đảm các bước, quy trình, cơ sở vật chất như kỳ họp thường lệ dù nội dung, thời gian kỳ họp thường ít hơn rất nhiều. Nhiều quy trình, hoạt động vẫn mang tính hình thức, đặc biệt, với đặc thù là tỉnh có diện tích rộng, số lượng đại biểu phân bổ đều trên tất cả các địa bàn nên trong Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh xây dựng các kịch bản, ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành các kỳ họp theo hình thức trực tuyến để tập trung vào nội dung kỳ họp, bảo đảm tiết kiệm, giảm khâu di chuyển cho các đại biểu ở xa và tránh các hoạt động hình thức khác.

Từ thực tế hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu ban hành quy định về cách thức tiến hành kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh bảo đảm khoa học, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các hệ thống phần mềm phục vụ hoạt động chung của HĐND các cấp phù hợp với điều kiện thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 và các diễn biến khác có thể xảy ra trong tương lai.

Quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Nam Đình nhấn mạnh: trong thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh thời gian qua, có nhiều vấn đề quan trọng hoặc cấp bách, phát sinh giữa hai kỳ họp liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương cần quyết định ngay. Trong khi đó, theo quy định của một số văn bản luật và văn bản dưới luật, nhiệm vụ này thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, phải đợi đến kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh được tổ chức mới xem xét, quyết định.

Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để có quy định cụ thể về thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh, bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong giải quyết các công việc cấp bách phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh. Cụ thể, cần nghiên cứu ban hành văn bản quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến việc xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; rà soát, quy định cụ thể hơn các nội dung cần thiết phải có sự phân quyền hoặc ủy quyền cho Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định giữa hai kỳ họp, nhất là các nội dung liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án, quản lý đất đai, tài chính ngân sách, các vấn đề cấp bách phát sinh như điều chỉnh giá xét nghiệm Covid-19… Đồng thời, quy định cụ thể cách thức, trình tự các bước thực hiện nhiệm vụ được HĐND tỉnh ủy quyền giải quyết giữa hai kỳ họp và trách nhiệm của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh khi tham gia quyết định các vấn đề phát sinh.

Trường hợp chưa quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội rà soát các quy định tại các văn bản luật có liên quan trong việc quy định thẩm quyền của HĐND tỉnh và thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh để bảo đảm phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Thực tế hiện nay, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30.1.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hướng dẫn một số hoạt động của HĐND không quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh trong việc quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp. Trong khi, một số Luật và văn bản quy phạm lĩnh vực chuyên ngành có giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND giải quyết.

THÁI HÒA