Lời Tòa soạn:

Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia là một trong những nội dung nằm trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này.

Trong khâu đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, Nghị quyết Đại hội 13 cũng nêu rõ: “Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, nhiều địa phương còn bỡ ngỡ, thậm chí có nơi chưa hiểu chuyển đổi số là gì, chưa biết bắt đầu từ đâu, không biết làm như thế nào?

Để giúp các địa phương hiểu rõ và thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ động dẫn đầu đoàn công tác làm việc với nhiều tỉnh, thành về chuyển đổi số.

Từ đó, Bộ TT&TT đã chủ động hỗ trợ địa phương cả về mặt chuyên môn, kỹ thuật, hạ tầng cơ sở lẫn nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số.

Trong đó phải kể đến chủ trương “biệt phái cán bộ Trung ương về địa phương” làm chuyển đổi số đã được triển khai tại nhiều tỉnh thành, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhờ đó, nhiều địa phương đã được “tiếp sức” trong chuyển đổi số. VietNamNet ghi nhận thực tế tại một số địa phương triển khai hiệu quả chủ trương này.

Theo ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng, ông Hoàng Minh Cường là nhân sự mà Hải Phòng đề xuất với Trung ương để xin về, nhằm nâng cao công tác chuyển đổi số (CĐS) - lĩnh vực mà Hải Phòng rất tâm huyết.

Sự có mặt của ông Cường, người được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng đưa Hải Phòng vươn lên giành thứ hạng cao trong lĩnh vực rất mới này.

a-cuong-pct-1-304.jpeg
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường, người đang cùng với Đảng bộ Hải Phòng đẩy nhanh công tác chuyển đổi số.
2-tit1-305.jpg

Trò chuyện với PV VietNamNet, ông Cường cho hay, bản thân không phải đi biệt phái có thời hạn như một số nhân sự khác của Bộ TT&TT.

Ngoài CĐS và CNTT, ông còn đảm nhiệm, theo dõi thêm lĩnh vực đối ngoại, khoa học kỹ thuật, công thương, công nghiệp, báo chí, năng lượng…

“Khi nhận thông tin rời bộ về địa phương, tôi không tránh khỏi những lo lắng. Từ trước đến lúc đó, tôi chỉ làm chuyên môn đơn thuần, nay về làm phó chủ tịch một thành phố lớn, đảm nhận những phần việc mà bản thân chưa từng trải qua. Sau này, tôi mới biết đó lại là lợi thế của mình. Ở đây tôi được học hỏi, được sử dụng nghề vào chính những ngành mình đang phụ trách một cách thực tiễn, hiệu quả nhất”, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường chia sẻ.

ong-cuong-va-cong-an-voi-so-4t-240.jpeg
Ông Hoàng Minh Cường phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an thực hiện đề án 06.

Ông Cường cho biết, khi ông về thì Hải Phòng đã có cả một nghị quyết về CĐS.

“Thường vụ và cấp trên đặt vào tay tôi một lộ trình kèm khát vọng rất nhiều mục tiêu. Tôi có nhiệm vụ cùng với tập thể và các đơn vị triển khai đưa nghị quyết đó vào đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”, ông Cường nói.

Nghị quyết có nhưng nhiều chương trình trong kế hoạch chuyển đổi số tại địa phương lúc đó là số không. Hải Phòng là vùng lõm nếu đem so với tương quan các tỉnh, thành khác trên cả nước, kể cả là so với các tỉnh trong khu vực có kinh tế ít phát triển hơn.

3-tit2-306.jpg

“Tôi nhìn thấy những mảnh ruộng phì nhiêu trên cánh đồng CĐS mênh mông đang bị bỏ hoang. Tìm thấy chìa khoá ở sự nguyên sơ đó, tôi đã hình dung ra những đường đi đầu tiên. Ví như đi xây tiếp công trình đang dang dở, sửa lại 1 ngôi nhà cũ không có thiết kế thì sẽ khó khăn hơn là được làm mới hoàn toàn từ đầu. Việc của tôi 2 năm trước là cùng với tập thể bàn bạc, lựa chọn ra cái gì làm trước, cái gì ưu tiên”.

Qua rà soát thực tiễn, Hải Phòng nhìn thấy ngành Tài nguyên và Môi trường là nơi cần được khơi thông đầu tiên về công tác số hoá.

Từ trước tới nay, Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác muốn số hoá thì phải đi đo lại bản đồ của thửa đất. Khi có kết quả đo đạc thì chính quyền phải xin nhận xét, thoả thuận với dân. Sau đó, cán bộ địa chính mới đưa lên bản đồ đất đai của quận, huyện.

“Tuy nhiên, cách làm truyền thống này dự kiến sẽ phải mất 10 năm, tiêu tốn ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng mới có được bản đồ số trong quản lý đất đai. Tôi thấy, cần làm việc này với thời gian ngắn nhất, sử dụng thấp nhất các nguồn tiền.

de-an-06-a-cuong-241.jpeg
Chuyển đổi số ở Hải Phòng đã trở nên sâu rộng, trên nhiều lĩnh vực.

Chúng tôi thống nhất tạo ra một nền tảng số và yêu cầu bộ phận địa chính đo xong thửa đất nào thì đưa ngay lên đó. Trước mắt, cứ đưa lên cho dân xem đã. Chỉ xem được thôi chứ chưa làm được gì thêm cả. Biết rồi, người dân thấy có vấn đề gì họ phản ánh luôn để kịp thời điều chỉnh.

Chính xác rồi, vị trí khu đất đó sẽ được đổi màu khác. Nếu thửa đất được cấp sổ đỏ thì lại tiếp tục chuyển màu mới, theo quy ước trên bản đồ. Lúc này là thửa đất đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, ông Cường nêu ví dụ.

Từ tháng 6/2022 đến nay, Hải Phòng đã đưa vào hoạt động cổng thông tin đất đai, cho phép người dân tra cứu các thông tin cơ bản với 637.000 thửa đất có dữ liệu không gian; 223.000 thửa đất có dữ liệu thuộc tính, kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến liên thông.

Hiện nay, Hải Phòng vẫn chưa thể vượt lên khỏi quỹ đạo chung về lĩnh vực quản lý đất đai. Nhưng, nhờ số hoá dữ liệu đã tạo ra sự khác biệt, thành phố được đánh giá là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thành công giải pháp quản lý đất đai.

“Nếu thực hiện thủ công thì chờ 10 năm nữa Hải Phòng mới thi đấu được so với các địa phương khác. Còn bây giờ, Hải Phòng chỉ chờ Bộ TN&MT kích hoạt là người dân dùng luôn trên hạ tầng đã được xây chờ sẵn.

pct-hoang-minh-cuong-3-242.jpeg
Hải Phòng triển khai mạng 5G

Từ kết quả nhận được, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã phổ biến kinh nghiệm hay này cho nhiều địa phương khác.

Mới đây tại một cuộc họp với Hải Dương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Đưa đất đai lên bản đồ số là rất quan trọng. Hải Phòng đã làm rất tốt. Nếu Hải Dương hay các tỉnh, thành khác cần học hỏi kinh nghiệm và phương pháp thì cứ gọi cho anh Hoàng Minh Cường, người của bộ về làm Phó Chủ tịch ở đó.

Ông Cường cho hay: "Gần đây lãnh đạo nhiều địa phương cũng hỏi Hải Phòng trên tinh thần chỉ dẫn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Chúng tôi cũng chia sẻ với họ hết từ thực tiễn, kinh nghiệm làm được. Nhưng qua chia sẻ đó, chính tôi cũng được học hỏi thêm. Bởi chính những khúc mắc của họ lại là một thực tế mà mình nhận ra để làm tốt hơn công tác chuyển đổi số sau này”.

4-tit3-307.jpg

Ngày 14/6/2023, Hải Phòng xếp thứ 31 về tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Bằng chương trình hành động cụ thể, mệnh lệnh quyết liệt, địa phương này cho ra đời 43 mô hình tiêu biểu.

Kết quả, sau 2 tuần, Hải Phòng vươn lên xếp thứ 3 cả nước, tạo ra bước ngoặt trong thực hiện Đề án 06.

“Chúng tôi chọn thế mạnh của TP cảng để CĐS. Hải Phòng đã triển khai lắp đặt 5G thử nghiệm tại dải trung tâm Thành phố và 2 cảng Tân Vũ và Đình Vũ. Thực hiện thành công mạng di động 5G dùng riêng cho nhà máy Pegatron, góp phần hình thành nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam”, Phó Chủ tịch Hải Phòng Hoàng Minh Cường kể lại.

Theo ông Cường, Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu về việc triển khai cấp giấy phép lái xe trực tuyến cấp độ 4, là nơi nêu ra giải pháp duy nhất trên toàn quốc có thể kết nối liên thông kết quả khám chữa bệnh tại các bệnh viện với hệ thống phần mềm của Sở GTVT.

Vừa qua, Hải Phòng được vinh danh là địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và CĐS tại Lễ biểu dương “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam-I4.0 Awards” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Hội Tự động hóa Việt Nam, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số tổ chức.

pct-hoang-minh-cuong-6-243.jpeg
Phó Chủ tịch TP Hoàng Minh Cường sâu sát trong các hoạt động nhằm thúc đẩy kinh tế số.

Lý giải về việc địa phương nhiều năm trước là vùng lõm trên bản đồ CĐS quốc gia, ông Cường phân tích, Hải Phòng chậm CĐS không phải vì họ không biết làm. Ở đây, có quá nhiều thứ để quan tâm và là cơ hội để phát triển như cảng biển, công nghiệp, tài nguyên đất đai… Nên giai đoạn đầu, CĐS chưa thực sự được đầu tư, dồn tâm huyết. Người Hải Phòng rất thông minh nên khi có quyết tâm thì nội lực rất mạnh mẽ.

Như vậy, dẫu đi sau nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Hải Phòng đã vươn lên đứng thứ 14 về CĐS, đứng thứ 4 về kinh tế số trên toàn quốc.

5-tit4-308.jpg

Nói về những thành quả mà Hải Phòng đã lội ngược dòng để viết tên mình lên bảng danh hiệu thứ hạng cao, ông Cường vẫn không nhận công về phần mình. Ông nói đó là công sức của tập thể, của ban lãnh đạo thành phố và sự đồng lòng từ các cấp, ngành cũng như nhân dân.

Phó Chủ tịch TP này cho rằng, bản thân đã rất may mắn khi được mang kinh nghiệm tích góp được từ Bộ TT&TT về vùng đất thân thiện, năng động như Hải Phòng để ứng dụng.

Ông Vũ Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng lại ví sự xuất hiện của vị Phó Chủ tịch này như là luồng khí mới.

“Sở TT&TT là đơn vị chủ lực trong việc CĐS. Chúng tôi thấy mình còn giới hạn về năng lực và góc nhìn. Khi anh Cường về, những quyết sách, chủ trương đưa xuống khiến anh em chuyên môn vỡ rất nhiều. Gạt bỏ đi sự băn khoăn, mơ hồ và lo ngại trong CĐS, anh ấy đã thổi luồng gió mới, tạo niềm tin và kéo anh em chuyên môn mạnh dạn đứng lên nhập cuộc”, ông Thắng nhìn nhận.

Theo Đại tá Bùi Trung Thành - Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, vai trò của ông Hoàng Minh Cường giống một cây cầu vững chãi, giúp lực lượng công an chạy đua qua khúc sông rộng, khó khăn để chạm tay vào thứ hạng cao của cả nước khi thực hiện đề án 06.

ong-cuong-hop-so-4t-244.jpeg
Ông Hoàng Minh Cường làm việc với Sở GD&ĐT Hải Phòng để kịp thời chỉ đạo các bước tiến trong công nghệ thông tin.

Đại tá Thành kể: “Trong quá trình triển khai, gặp bất cứ vướng mắc nào chúng tôi chỉ cần nhắn “anh Cường ơi, bọn em vướng ở đơn vị này, sở kia…” là lập tức anh ấy tiếp nhận và chỉ đạo ngay. Trong tích tắc, không kể đêm hay ngày, điểm nghẽn hành chính lập tức được tháo gỡ mà chẳng cần biên bản báo cáo hay cuộc họp cứng nhắc nào”.

Đại tá Thành kể thêm: Phó Chủ tịch liên tục dặn chúng tôi, phải để ý xem có địa phương nào đang làm tốt thì mình đi đến tìm cách học hỏi, chắt lọc, tăng tính thực tiễn. Thứ bạn đã rút kinh nghiệm thì mình về tránh ra, không va vào nữa.

Trưởng ban Dân vận TP Hải Phòng Lê Trí Vũ bày tỏ sự cảm mến ông Cường, sau gần 2 năm về địa phương bằng cách chỉ ra sự thăng hạng vượt bậc của Hải Phòng trên bản đồ CĐS cả nước. Đó là điều nhân dân ai cũng nhìn thấy ở vị lãnh đạo trẻ, đã không ngại xa gia đình, rời Thủ đô về đảm nhận nhiệm vụ không mấy dễ dàng tại Hải Phòng.