Theo quy định hiện hành, tiền lương đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu người làm cho Nhà nước với các mức bình quân 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm cuối.

Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Luật BHXH 2014, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu.

Cụ thể, tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ 1/1/1995 - 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

phat-luong-huu-25-1711.jpg?width=0&s=5hX4W_qxM-C0OFMZrGy75w
Lương hưu của người làm khu vực Nhà nước tiến tới sẽ được tính bình quân cả quá trình đóng BHXH như khu vực doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Chí Hiếu

Người lao động tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ 1/1/2001 - 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ 1/1/2007 - 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Người tham gia BHXH từ 1/1/2016 - 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia BHXH từ 1/1/2020 - 31/12/2024, tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia BHXH từ 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian. Trong đó, thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo số năm đóng trước khi nghỉ hưu như quy định nêu trên.

Lý giải về việc này, một chuyên gia lao động, tiền lương cho biết, sau ngày 1/1/1995 lương công chức Nhà nước được tính hệ số 1,86, bây giờ được điều chỉnh lên 2,34. Do quá trình hưởng lương từ 1,86 đến 2,34 phải rất nhiều năm, nên cách tính bình quân 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm cuối là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi về hưu có mức lương đảm bảo đủ sống.

Từ ngày 1/1/2025, khi tiền lương khu vực Nhà nước được tính theo vị trí việc làm thì lương hưu sẽ được tính bình quân cả quá trình tham gia BHXH giống như doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, một trong những nguyên tắc của BHXH là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng. Việc quy định mức lương hưu được tính trên cơ sở tỷ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ quá trình đóng là phù hợp với nguyên tắc nêu trên.

Không phải tiền lương đóng BHXH những năm cuối của người lao động nào cũng cao hơn trước đó, nhất là những người làm việc ở khu vực ngoài Nhà nước, vì vậy, không phải cứ tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo mức đóng BHXH số năm cuối là được lợi hơn.

Trước đây, đối với người lao động thuộc khu vực Nhà nước, khi tính mức lương hưu thì tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của một số năm cuối trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đã có quy định lộ trình, tiến tới tính toàn bộ quá trình đóng BHXH, như đối với khu vực ngoài Nhà nước.

Luật BHXH 2024 vẫn kế thừa quy định hiện hành về việc điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu.

Đối với người lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, tiền lương đã đóng BHXH được lấy làm căn cứ mức bình quân và được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của từng thời kỳ, theo quy định của Chính phủ.