Theo đó, kiến nghị quy định cụ thể thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh để bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong giải quyết các công việc cấp bách phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh.
Sớm hoàn thiện "thể chế" ngay từ đầu nhiệm kỳ
Qua các phát biểu tham luận của đại diện Thường trực HĐND các địa phương tại hội nghị có thể thấy nhiều điểm nhấn, thể hiện nỗ lực nâng cao hiệu quả các hoạt động của HĐND ngay trong năm 2021 - năm đầu nhiệm kỳ.
Đại biểu phát biểu tham luận tại hội nghị Ảnh: Trung Thành
Điển hình, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam, ngay sau bầu cử, cùng với kiện toàn các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã sớm hoàn thiện "thể chế" ngay từ đầu nhiệm kỳ như: Ban hành Quy chế hoạt động, nội quy kỳ họp HĐND, quy chế làm việc của Thường trực HĐND; phân công nhiệm vụ cụ thể của các Ủy viên Thường trực HĐND... làm cơ sở bảo đảm cho hoạt động của HĐND trong cả nhiệm kỳ. Ngay từ Kỳ họp thứ 2 và tại các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã đã ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm Phòng họp không giấy tờ (VNPT - eCabinet) trong điều hành kỳ họp, phiên họp; toàn bộ tài liệu kỳ họp, phiên họp được số hóa và gửi trước tới đại biểu nghiên cứu thông qua phần mềm; đại biểu sử dụng Ipad để tra cứu, giảm tối đa văn bản giấy, thuận tiện để đại biểu nghiên cứu tài liệu, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Nam Đình cho biết: HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức 3 cuộc giám sát chuyên đề; 1 phiên giải trình và 2 phiên chất vấn về những vấn đề cử tri và Nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm (việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với những người bị ảnh hưởng, mất việc làm do Covid-19). Đặc biệt, HĐND tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số từng bước hoạt động: Sử dụng phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số; tổ chức các kỳ họp không giấy; nâng cấp Trang Thông tin điện tử Đại biểu nhân dân Nghệ An, sử dụng phần mềm để quản lý theo dõi việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư, kiến nghị sau khảo sát, giám sát.
Còn theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Quang Tuấn, năm 2021, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng các kỳ họp đã được tổ chức chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn, trong đó có 6 kỳ họp chuyên đề để giải quyết công việc quan trọng, cấp bách của tỉnh; đã ban hành 176 nghị quyết đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có nhiều nghị quyết quan trọng về đầu tư công, di dời dân cư Khu vực Kinh thành Huế, kêu gọi đầu tư, ưu tiên các lĩnh vực xã hội hóa, hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phối hợp tham mưu trình Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế… đã có tác động đến sự phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ và nhiều năm tiếp theo.
Quy định cụ thể thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm hay trong các hoạt động thẩm tra, giải trình, chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND… Đồng thời, kiến nghị nhiều nội dung thiết thực, nhất là với một vấn đề vướng mắc từ nhiệm kỳ trước, đó chính là việc quy định thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp của Thường trực HĐND.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Y Quang Bkrông: Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30.1.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: “Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND thì tổ chức kỳ họp bất thường của HĐND để xem xét, quyết định”. Với quy định này, Thường trực HĐND chỉ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Mọi vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND thuộc thẩm quyền của HĐND phải được giải quyết tại kỳ họp HĐND, không có bất cứ hình thức ủy quyền, giao quyền, phân công của HĐND đối với một chủ thể khác để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được luật định của HĐND. Do đó, cần quy định một cách linh hoạt hơn về cách thức giải quyết một số vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Làm rõ hơn kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu có quy định cụ thể về thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh để bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong giải quyết các công việc cấp bách phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Nam Đình dẫn chứng, thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An thời gian qua, có nhiều vấn đề quan trọng hoặc cấp bách, phát sinh giữa hai kỳ họp liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương cần quyết định ngay. Trong khi đó, theo quy định của một số văn bản luật và văn bản dưới luật, nhiệm vụ này thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, phải đợi đến kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh được tổ chức mới xem xét, quyết định.
Vì vậy, cần nghiên cứu ban hành văn bản quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến việc xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; rà soát, quy định cụ thể hơn các nội dung cần thiết phải có sự phân quyền hoặc ủy quyền cho Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định giữa hai kỳ họp, nhất là các nội dung liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án, quản lý đất đai, tài chính ngân sách, các vấn đề cấp bách phát sinh như điều chỉnh giá xét nghiệm Covid-19…; đồng thời, quy định cụ thể cách thức, trình tự các bước thực hiện nhiệm vụ được HĐND tỉnh ủy quyền giải quyết giữa hai kỳ họp và trách nhiệm của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh khi tham gia quyết định các vấn đề phát sinh.
“Trường hợp chưa quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp, đề nghị Chính phủ, Quốc hội rà soát các quy định tại các văn bản luật liên quan trong việc quy định thẩm quyền của HĐND tỉnh và thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh để bảo đảm phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An kiến nghị.
NGUYỄN NHẬT