Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, từ ngày 18/7 đến 12h ngày 30/7, thí sinh sẽ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Việc nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến sẽ diễn ra từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8.

Quá trình lọc ảo sẽ diễn ra từ ngày 13/8 đến 17h ngày 17/8. Sau quãng thời gian này, các trường có thể công bố điểm chuẩn và kết quả trúng tuyển tới thí sinh.

Chậm nhất đến 17h ngày 19/8, các trường đại học, cao đẳng phải hoàn thành việc công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển đợt 1.

thi-tot-nghiep-2024-4-1513.jpg?width=0&s=C-4wPbkiR6Z5_K2KDBp3Xg
Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. (Ảnh: Thạch Thảo)

Dựa vào phổ điểm thi, đại diện các trường đại học dự đoán điểm chuẩn xét tuyển khối C00, D01, D96 năm nay sẽ tăng. Trong khi đó, điểm chuẩn xét tuyển khối B00 có thể chững hoặc giảm nhẹ so với năm ngoái. Điểm chuẩn xét tuyển từ khối A00, A01 có thể sẽ tăng nhưng không nhiều.

Một số trường cũng đưa ra dự báo ban đầu về điểm chuẩn vào trường năm nay. Chẳng hạn tại ĐH Bách khoa Hà Nội dự báo các ngành vào trường có thể có sự tăng nhẹ so với năm 2023 là 0,75 điểm. Trong đó, 3 ngành của trường gồm Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo có thể lấy điểm chuẩn trên 28. Nhiều ngành có mức điểm chuẩn khoảng 27 – 28, trong khi cũng có ngành điểm chuẩn dự báo dao động từ 20 - 22,75 điểm.

Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Y Hà Nội dự báo điểm chuẩn các ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt có thể trên 28, do chỉ tiêu xét hoàn toàn bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm và phổ điểm tăng. Ngoài hai ngành trên, điểm trúng tuyển các ngành khác theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dự kiến cũng cao hơn năm ngoái.

Lý do là vì năm nay trường tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Do đó, tỷ lệ xét hoàn toàn bằng điểm thi tốt nghiệp chỉ còn 60%, ít hơn khoảng 20% so với năm ngoái.

Một số chuyên gia cũng nhận định, điểm chuẩn vào các trường đại học top trên và các ngành nghề top trên của các trường đại học có thể đạt trên 25 điểm. Các trường đại học top trung bình, điểm chuẩn sẽ dao động từ 20 - 24, phần còn lại là mức điểm chuẩn từ 15 - 20.

Tính đến hôm nay (29/7), hơn 230 trường đã công bố điểm sàn xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm sàn của các trường dao động từ 14 – 24,5 điểm, trong đó cao nhất ở các ngành thuộc lĩnh vực sư phạm và y khoa.

Cụ thể, ngành Sư phạm Toán học của Trường ĐH Sài Gòn có mức điểm sàn cao nhất cả nước với 24,5 điểm. Xếp sau đó là một số ngành của các trường: ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Luật TPHCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM... với mức điểm sàn là 24.

Ngoài việc công bố điểm sàn, mới đây, một số trường đào tạo khối ngành sư phạm, sau khi nhận văn bản giao chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT, cũng ra thông báo điều chỉnh so với công bố trước đó. Chẳng hạn tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, nhiều ngành giảm chỉ tiêu so với chỉ tiêu tự xác định ban đầu tới 90% như Sư phạm Vật lý (từ 244 xuống 20 chỉ tiêu), Sư phạm Lịch sử (từ 165 xuống 31 chỉ tiêu)...

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên cũng điều chỉnh chỉ tiêu, trong đó có một số ngành giảm một nửa so với dự kiến, chẳng hạn Sư phạm hóa học hay Sư phạm Vật lý...
Trường ĐH Cần Thơ cũng giảm chỉ tiêu từ 1.090 chỉ tiêu ban đầu xuống còn 624 chỉ tiêu, trong đó một số ngành giảm mạnh như Sư phạm Toán học (từ 100 xuống 31 chỉ tiêu), Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học (từ 60 xuống 20 chỉ tiêu)...

Việc giảm chỉ tiêu nhiều ngành đào tạo thuộc nhóm ngành sư phạm được dự báo sẽ tác động đến điểm chuẩn, khiến điểm chuẩn của nhóm này tiếp tục ở mức cao.