Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, khai mạc vào sáng 23/10.
Để hiểu rõ hơn công tác chuẩn bị cũng như ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm, VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn với Phó Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Tạ Thị Yên.
Kết quả phiếu tín nhiệm không còn để tham khảo
Đây là lần thứ 4 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Bà có thể cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này có gì khác so với những lần trước?
Một trong những điểm khác biệt của việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm. Nếu như trước đây, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ thì bây giờ kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Cụ thể, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm cũng có nhiều điểm đáng chú ý so với trước đây. Chẳng hạn như tiêu chí đánh giá tín nhiệm có xem xét cả sự gương mẫu không chỉ của bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm mà cả với vợ, chồng, con của họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao có tính đến cả tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao…
Vậy việc triển khai lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ được thực hiện ra sao, thưa bà?
Theo Nghị quyết 96/2023/QH15, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn gồm có: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Như vậy tổng số các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn hiện nay có 49 người.
Tuy nhiên, theo quy định, những người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Tức là những chức danh được bầu và phê chuẩn từ 1/1/2023 (trong năm lấy phiếu tín nhiệm) không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Do đó, tại kỳ họp thứ 6 lần này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với dự kiến 44 nhân sự. Trong đó, có 2 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 4; 10 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2; còn lại 32 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần đầu.
Mỗi đại biểu Quốc hội cần có trách nhiệm với lá phiếu của mình
Để việc lấy phiếu tín nhiệm hiệu quả, thực chất, tránh tình trạng vận động phiếu, nể nang, hình thức, theo bà cần làm gì?
Trước tiên, người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà cử tri và nhân dân có ý kiến hoặc đại biểu Quốc hội yêu cầu (nếu có).
Mỗi đại biểu Quốc hội cần có trách nhiệm với lá phiếu của mình; cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm, công bằng khi thể hiện mức độ tín nhiệm.
Đây là một trong những hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội nên các đại biểu cũng như người được lấy phiếu tín nhiệm cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 96/2023/QH15 và các quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cử tri và nhân dân.
Ngoài ra, quy định cũng nghiêm cấm làm sai lệch kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.
Bên cạnh việc công khai tại kỳ họp Quốc hội, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân biết, cùng tham gia giám sát.
Với những điểm mới trong công tác lấy phiếu tín nhiệm lần này, theo bà kết quả phiếu tín nhiệm có ý nghĩa như thế nào?
Đây là những bước tiến mới cho thấy giá trị của việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất hơn, hiệu quả hơn; biện pháp áp dụng đối với người có tín nhiệm thấp cũng mạnh hơn, quyết liệt hơn, nhanh chóng hơn.
Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp cho các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Tôi tin tưởng rằng, qua việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần tạo động lực, đòn bẩy để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như từng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Từ đó góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã đề ra để không ngừng nâng cao tiềm lực của đất nước, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.