Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ đồng chủ trì buổi làm việc.
Trước phiên làm việc chính thức, ông John Neuffer - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ đã đến chào Đoàn công tác tỉnh Nghệ An. Ông rất cảm kích khi được tiếp đoàn và bày tỏ mong muốn sẽ có các hoạt động thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực công nghệ bán dẫn giữa 2 bên trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã giới thiệu khái quát điều kiện tự nhiên, các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong việc phát triển hệ sinh thái bán dẫn và các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhu cầu của tỉnh trong thu hút đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, hiện tỉnh Nghệ An đã chuẩn bị những điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và đầu tư tại Nghệ An.
Tỉnh Nghệ An đã chuẩn bị các nền tảng, hệ sinh thái để chào đón các doanh nghiệp Hoa Kỳ trên các lĩnh vực công nghệ cao như: Công nghệ bán dẫn, công nghiệp chế tạo, sản xuất vật liệu, linh kiện điện tử, dịch vụ tài chính, ngân hàng. Các lĩnh vực thu hút nhằm đáp ứng yêu cầu về đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng mới, năng lượng tái tạo phục vụ cho phát triển bền vững.
Tại buổi làm việc, các thành viên Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ bày tỏ vui mừng khi quan hệ giữa 2 nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện; đồng thời mong muốn tìm kiếm các cơ hội để các thành viên trong Hiệp hội đầu tư vào Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.
Nhấn mạnh Nghệ An đang đi đúng hướng trong việc thu hút đầu tư với việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như các chính sách phù hợp, các thành viên Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam nên tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin mở rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cần đảm bảo nguồn năng lượng đáng tin cậy và nguồn nước để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Trao đổi, trả lời nội dung mà các thành viên Hiệp hội quan tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, nguồn năng lượng là vấn đề quan trọng. Tỉnh sẽ làm việc với Chính phủ để đảm bảo nguồn năng lượng ổn định tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực công nghiệp, trong đó có công nghiệp bán dẫn khi tỉnh thu hút được dự án. Đồng thời, tỉnh sẽ lắng nghe và nghiên cứu đề xuất với Chính phủ Việt Nam tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin mở rộng, mang lại lợi ích chung cho Việt Nam và các địa phương, trong đó có Nghệ An.
Đi sâu vào các vấn đề cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, quy hoạch phát triển tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt, trong đó tích hợp 49 nội dung quy hoạch, gồm 28 quy hoạch ngành, lĩnh vực và 21 quy hoạch địa phương. Đặc biệt, trong quy hoạch ngành, tỉnh đã quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn.
Nghệ An là tỉnh nằm ở Bắc miền Trung, cách thành phố Hà Nội 300km nên khoảng cách từ trung tâm phát triển kinh tế đến Nghệ An là vấn đề mà tỉnh phải cải thiện để thu hút đầu tư. Hiện nay, tuyến đường bộ cao tốc từ Hà Nội về Nghệ An cơ bản được hoàn thiện, giảm được 1,5 giờ di chuyển.
Tỉnh Nghệ An đã có sân bay quốc tế song quy mô còn nhỏ với số lượng khoảng 2,5 triệu khách/năm và chủ yếu phục vụ nội địa. Tỉnh đã có kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay để có thể đáp ứng kết nối các chuyến bay quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến với tỉnh Nghệ An.
Nghệ An cũng đã có hạ tầng cảng biển và đang tiếp tục đầu tư nâng cấp trở thành cảng biển nước sâu, để có thể đón tàu từ 70.000 tấn - 100.000 tấn và lâu dài có thể đón tàu lên tới 200.000 tấn.
Về mặt bằng, tỉnh Nghệ An có Khu kinh tế Đông Nam với tổng diện tích trên 20.000ha, trong đó dành khoảng 2.000 ha để phát triển các khu công nghiệp. Trong 2.000 ha này, tỉnh đã hình thành 5 khu công nghiệp, trong đó 3 khu công nghiệp đã cơ bản lấp đầy, 2 khu công nghiệp còn lại đang triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng để đón các nhà đầu tư mới. Trong điều kiện cần thiết, tỉnh có thể hình thành khu công nghiệp chuyên biệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Về nguồn nhân lực, tỉnh Nghệ An có nguồn nhân lực khá dồi dào với hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, bình quân hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 40.000 - 45.000 lao động mới. Tỉnh có hệ thống cơ sở đào tạo để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực với 6 trường đại học, 11 trường cao đẳng, 70 trung tâm đào tạo nghề. Tuy nhiên, tỉnh đang tìm kiếm hỗ trợ đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Điều đặc biệt, các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn Khu kinh tế Đông Nam sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp công nghệ cao, hiện Chính phủ Việt Nam đang áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp mức rất thấp, là 5% trong vòng 37 năm, trong đó 6 năm đầu tiên miễn hoàn toàn thuế, giảm 50% trong vòng 13 năm tiếp theo. Ngoài ra, tiền thuê đất và thuê mặt nước sẽ thực hiện miễn thuế trong vòng 22 năm và giảm 75% trong thời gian còn lại.
Chia sẻ về thái độ của chính quyền và các cơ quan trong việc hỗ trợ nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh Nghệ An là luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu, khảo sát và thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với mục tiêu: Thành công của nhà đầu tư chính là thành công của tỉnh Nghệ An; với tinh thần: Công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Tỉnh Nghệ An nhận thức được rằng, cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam hiện đang rất cao, nên điểm khác nhau giữa các địa phương chính là thái độ của chính quyền với doanh nghiệp và nhà đầu tư.
SIA - Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1977 bởi 5 nhà tiên phong về vi điện tử. SIA có trụ sở tại Washington DC, là tiếng nói đại diện cho ngành bán dẫn của Hoa Kỳ. Đây cũng là một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ và là động lực chính cho sức mạnh kinh tế, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu của Hoa Kỳ.
Năm 2022, các công ty bán dẫn của Hoa Kỳ đã tạo ra doanh thu 146 tỷ USD và chất bán dẫn giúp ngành công nghiệp điện tử trị giá nghìn tỷ USD toàn cầu trở nên khả thi. Các công ty bán dẫn của Hoa Kỳ đại diện cho hơn một nửa thị trường toàn cầu. Ngành công nghiệp bán dẫn trực tiếp sử dụng 1/4 triệu lao động ở Mỹ và hỗ trợ thêm hơn 1 triệu việc làm cho người Mỹ.
Hiện Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ có 29 thành viên hội đồng, 16 thành viên quốc tế và 31 thành viên doanh nghiệp.