Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai
Dự lễ có đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; Sở Văn hóa và Thể thao; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh và đoàn công tác; đại diện thân nhân, gia đình dòng họ Nguyễn Huy có PGS. TS. NGƯT Nguyễn Minh Xuân - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thăng Long;...
Sinh ngày 30/9/1910, trên quê hương xứ Nghệ có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, 16 tuổi, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (tên thật là Nguyễn Thị Vịnh), đã vượt qua mọi sự cản trở của lễ giáo phong kiến, vượt qua sự hiểu biết, cuộc sống của các cô gái cùng thời, quyết chí dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai.
Mùa Hè năm 1927, đồng chí là người đầu tiên trong giới nữ ở Vinh - Bến Thủy được kết nạp vào Hội Hưng Nam và được bầu vào Ban Chấp hành Đại tổ, phụ trách công tác vận động phụ nữ. Từ đây, nhiều chị em phụ nữ ở Nghệ An được đồng chí giác ngộ, trở thành những hạt giống đỏ đi gieo mầm cách mạng.
Đầu năm 1930, được Phân cục Trung ương Trung Kỳ giới thiệu ra Bắc rồi sang Trung Quốc, đồng chí làm Thư ký cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Văn phòng Chi nhánh Đông Phương Bộ của Quốc tế Cộng sản.
Năm 1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được cử vào đoàn đại biểu chính thức tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII tại Moskva, Liên Xô. Sau đại hội, đồng chí được giới thiệu vào học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản.
Năm 1937, trở về nước, đồng chí được phân công đến làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ và được Trung ương Đảng chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 30/7/1940, khi đang cùng Xứ ủy Nam Kỳ chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa vũ trang, đồng chí sa vào tay giặc. Biết đồng chí là cán bộ chủ chốt quan trọng, thực dân Pháp đã dùng đủ mọi cực hình tra tấn hòng bắt đồng chí khai ra tổ chức Đảng nhưng không thể khuất phục nổi ý chí gang thép của một người phụ nữ bất khuất, kiên định.
Rạng sáng 26/8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đi xử bắn tại Nhà thương Giếng Nước, nay là Bệnh viện huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.
Nhân lễ giỗ lần thứ 83 năm của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, trong không khí thiêng liêng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý và đoàn đại biểu dâng lễ, dâng hoa, dâng hương bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, liệt nữ đã hy sinh trọn đời cho Tổ quốc.
Tinh thần bất khuất trên đường ra pháp trường, sự hy sinh oanh liệt của nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai đã làm lay động hàng triệu, hàng triệu trái tim yêu nước; mãi mãi là biểu tượng bất tử của người Phụ nữ Việt Nam.
Lý tưởng cao đẹp, phẩm chất kiên trung, đạo đức trong sáng giản dị của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai còn sống mãi với quê hương xứ Nghệ; với nhân dân Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), nơi đồng chí đã cống hiến, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và oanh liệt hy sinh; sống mãi trong ký ức của nhân dân ta, với non sông, đất nước ta.
Thành Duy