Chiều 6/12, kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận tại hội trường. Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp điều hành phiên thảo luận tại hội trường.

bna-6433-01-7463.jpeg.webp
Chiều 6/12, kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Cường

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Công Văn (đơn vị Nghi Lộc) cho rằng, kết quả triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp, đặt ra vấn đề cần phải nghiêm túc xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện và cụ thể hơn các nguyên nhân.

"Hiện nay, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang cực kỳ khó khăn, nhu cầu rất lớn, trong khi nguồn lực bố trí của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho tỉnh chưa nhiều. Vì vậy, phải tìm ra nguyên nhân vì sao kết quả đạt thấp để có giải pháp khắc phục", đại biểu Văn đề nghị.

bna-6518-01-4618.jpeg.webp
Đại biểu Nguyễn Công Văn (đơn vị Nghi Lộc) đề nghị làm rõ nguyên nhân các chương trình mục tiêu quốc gia có kết quả thấp. Ảnh: Thành Cường

Trả lời về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Thành Vinh cho rằng, tỉnh Nghệ An có 460 xã, phường, trong đó 76 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn và đến nay kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới không thấp.

Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng lên 319 xã; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng lên 88 xã; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng lên 12 xã; 10 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Đến thời điểm này tỉnh đã giải ngân đạt 86% và dự kiến hết năm 2023 thì hoàn thành chỉ tiêu giao.

bna-6547-01-5920.jpeg.webp
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Thành Vinh cho rằng, kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh không thấp. Ảnh: Thành Cường

Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nguồn vốn năm 2022 của chương trình ưu tiên 80% cho đồng bào miền núi, đến ngày 31/10 đã giải ngân đạt 39,46%, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ giải ngân đạt 93,34%. Vốn năm 2023 đã giải ngân 8,42%, dự kiến đến cuối năm 2023 là 40,69%.

Lý giải nguyên nhân kết quả giải ngân của chương trình đạt thấp, ông Hưng cho rằng có 3 nguyên nhân. Trong đó, việc triển khai các dự án trong chương trình chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa sát và Sở xin tiếp thu. Trong thời gian tới, Sở sẽ đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục cho phép kéo dài nguồn vốn 2022, 2023 chưa giải ngân chuyển sang năm 2024.

bna-6563-01-1278.jpeg.webp
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bùi Văn Hưng giải trình nguyên nhân Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt thấp. Ảnh: Thành Cường

Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, đây là chương trình mới, tích hợp nhiều chương trình trước đây, khó, nhiều nội dung và nhiều dự án.

Quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, văn bản hướng dẫn của Trung ương ban hành nhiều thời điểm khác nhau. Bên cạnh đó, thủ tục triển khai cũng kéo dài. Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, Ban Dân tộc đã chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các thủ tục để triển khai chương trình.

Theo ông Sơn, ngoài nguyên nhân khách quan là chương trình mới, một số nội dung phải chờ hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, hệ thống văn bản hướng dẫn không đồng bộ... thì nguyên nhân chủ quan là do cơ quan tham mưu ban đầu cũng lúng túng, có lúc chưa kịp thời, còn sai sót. Một số địa phương vào cuộc chưa thật sự quyết liệt, công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương có lúc chưa nhịp nhàng.

bna-6576-01-4388.jpeg.webp
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn khẳng định đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành giải ngân vốn đầu tư phát triển của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Thành Cường

Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định trong thời gian tới, Ban sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ráo riết để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư phát triển trong năm 2023; đối với nguồn vốn sự nghiệp sẽ đạt khoảng 65%.

Làm rõ hơn nội dung đại biểu Văn quan tâm, ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh, các cấp, ngành rất quan tâm, chú trọng công tác giải ngân đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu giải ngân trên 95%.

UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt bằng các giải pháp cụ thể: Kịp thời thông báo vốn, ban hành văn bản chỉ đạo, thành lập các tổ đôn đốc chỉ đạo giải ngân ngay từ đầu năm, thành lập các tổ cấp phòng để hướng dẫn cho các địa phương giải ngân thấp, tiếp tục duy trì báo cáo 10 ngày/lần, yêu cầu chủ đầu tư giải ngân chậm báo cáo UBND tỉnh 10 ngày/lần, quyết liệt điều chỉnh vốn từ sớm...

bna-6588-01-6193.jpeg.webp
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang giải trình, làm rõ thêm các nội dung trong giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Thành Cường

Đến ngày 30/11, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 68%, trong đó đầu tư công tập trung là 58%, cao hơn năm 2022. Tuy nhiên, có 4 nguồn giải ngân chậm là chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đạt 40,18%; vốn nước ngoài đạt 37,04%; chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 29,75%; chương trình giảm nghèo bền vững đạt 4,49%.

Theo ông Quang, kết quả giải ngân của 2 chương trình chậm có nguyên nhân chủ quan do năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án; năng lực, kinh nghiệm của nhà tư vấn, nhà thầu còn hạn chế và đã được chỉ rõ.

Bên cạnh đó, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội do vốn giao muộn, các dự án có tổng mức lớn, triển khai thủ tục nhiều, quy trình gặp nhiều khó khăn, đây là tình trạng chung của cả nước. UBND tỉnh sau đó đã trình HĐND tỉnh điều chuyển 200 tỷ đồng từ nguồn này sang các dự án khác để đẩy nhanh tiến độ. Đối với nguồn vốn nước ngoài thì quy trình thực hiện dự án phức tạp, giải ngân chờ duyệt rút vốn của Bộ Tài chính...

bna-6489-01-5905.jpeg.webp
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Cường

Đối với nguồn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chương trình giảm nghèo bền vững có nguyên nhân là số lượng văn bản hướng dẫn triển khai nhiều với 88 văn bản.

Trong khi đó, việc điều hành chưa đồng bộ, kịp thời, nhiều địa phương còn lúng túng. Kế hoạch vốn trung hạn năm 2022 giao chậm nên lượng vốn giải ngân trong năm 2023 khá lớn, trong khi 2 chương trình này đều là các dự án mới nên mất nhiều quy trình, thời gian triển khai thủ tục, nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn phải triển khai nhiều bước.

Mặt khác, chương trình giảm nghèo bền vững đạt thấp một phần vì nguồn lực của các ban quản lý dự án còn yếu, tiếp cận chưa được cao nên trong chỉ đạo điều hành còn lúng túng. Chính vì thế, Quốc hội ban hành Nghị quyết cho kéo dài 2 nguồn vốn của 2 chương trình này.

ban-sao-chu-tich-ubnd-tinh-nguyen-duc-trung-nghe-lanh-dao-so-gtvt-bao-cao-tien-do-trien-khai-du-an-duong-ven-bien-408.jpg.webp
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nghe lãnh đạo Sở GTVT báo cáo tiến độ triển khai dự án đường ven biển. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, trong thời gian tới, với tinh thần quyết liệt, quyết tâm, Sở sẽ cùng với các sở, ngành làm việc với các chủ đầu tư, dự kiến đến 31/12 sẽ giải ngân 79,61%, ước dự đến 31/1/2024 dự kiến giải ngân 95,42%, trong đó nguồn ngân sách địa phương sẽ giải ngân hết. Số vốn ngân sách Trung ương không giải ngân hết khoảng 250 tỷ đồng đã được Quốc hội cho phép kéo dài sang năm 2024.

Phạm Bằng