Nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri

Tuyến đường liên xã nối xã Nghi Mỹ với 2 xã Nghi Công Bắc, Nghi Công Nam đi qua một đập tràn, tuy nhiên chỉ cần một trận mưa lớn là nước dâng lên khỏi mặt tràn hơn 70 cm, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nhất là các cháu học sinh Nghi Công Nam, Nghi Công Bắc đi học ở Trường THPT Nghi Lộc 2 và Nghi Lộc 5. Vấn đề này được cử tri 3 xã Nghi Mỹ, Nghi Công Nam và Nghi Công Bắc phản ánh, đề xuất đối với đại biểu HĐND huyện thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri.

7011b0f2bddd62833bcc.jpg
Thường trực HĐND huyện Nghi Lộc khảo sát việc hoàn thành, đưa cầu Nghi Mỹ vào hoạt động

Trên cơ sở kiến nghị của cử tri và sau khi tiến hành khảo sát trên thực địa, cuối năm 2021, HĐND huyện đã cho chủ trương đầu tư cầu cứng kiên cố để thay thế cầu tràn với tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng. Trong quá trình thi công, cử tri tiếp tục phản ánh tiến độ chậm và việc xây dựng đường công vụ chưa tạo thuận lợi đi lại cho người dân; HĐND huyện tiếp tục giám sát và đề xuất UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đốc thúc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến thời điểm này, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Ông Bùi Sỹ Cường - Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ chia sẻ: Cầu cứng Nghi Mỹ được đầu tư, đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi đi lại cho người dân, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã phía tây huyện. Chấm dứt tình trạng, cứ mỗi đợt mưa lớn, địa phương lại lập barie nhằm ngăn không để người dân qua tràn, nguy cơ mất an toàn.

95a938613a4ee510bc5f.jpg
Tuyến đường liên xã Nghi Thuận - Nghi Hoa đang đầu tư sửa chữa, nâng cấp.

Cùng từ phản ánh, kiến nghị của cử tri về sự xuống cấp của tuyến đường liên xã Nghi Thuận – Nghi Hoa, tại kỳ họp thứ thứ 7 diễn ra ngày 18/11/2022, HĐND huyện đã phê duyệt chủ trương đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường với tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng. Hiện nay tuyến đường này đang được đơn vị thi công tập trung triển khai, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4/2023.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, thông qua phản ánh, đề xuất của cử tri và trên cơ sở giám sát, nắm bắt tình hình thực tế, HĐND huyện đã ban hành 130 chủ trương đầu tư công trình, dự án trên địa bàn; trong đó có một số công trình cấp bách, ách yếu, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, như: đường giao thông, trạm bơm, cầu và nhà văn hóa tránh lũ

Tiếp xúc cử tri và tiếp nhận, tổng hợp, đôn đốc giải quyết kiến nghị cử tri là một trong những hoạt động quan trọng của cơ quan dân cử. Nhiệm vụ này nếu được làm tốt, vừa giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc, khó khăn, bất cập từ thực tiễn; vừa đảm bảo vai trò trách nhiệm là tổ chức, cá nhân đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chỗ dựa tin cậy của Nhân dân. Bởi vậy, công tác này thời gian qua được HĐND huyện chăm lo đổi mới, nâng cao chất lượng với tỷ lệ giải quyết các kiến nghị thẩm quyền cấp huyện tăng từ 21% (năm 2021) lên 53,5% (năm 2022); góp phần tháo gỡ những khó khăn, bức xúc, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, Nhân dân.

84c4189b15b4caea93a5.jpg
Cầu cứng bê tông Nghi Mỹ đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi đi lại cho người dân

Bà Lê Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghi Lộc chia sẻ: Để giải quyết tốt các kiến nghị của cử tri, giảm bớt những kiến nghị nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri; giảm bớt những lời “hứa suông” của đại biểu HĐND với cử tri, Thường trực HĐND huyện Nghi Lộc thường xuyên quan tâm theo dõi, giám sát, đôn đốc việc giải quyết ý kiến cử tri của các cơ quan thẩm quyền thông qua các cuộc họp, giao ban của cấp uỷ, của Thường trực HĐND, UBND huyện, hoặc bằng văn bản. Ngoài ra, Thường trực HĐND huyện tiến hành khảo sát thực tế việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua gặp gỡ trực tiếp với cử tri và làm việc với địa phương nơi phát sinh kiến nghị để nắm bắt thông tin một cách chính xác nhất. Sau khảo sát, Thường trực HĐND huyện tổ chức phiên làm việc với UBND huyện và các phòng, ngành chuyên môn liên quan để tiếp tục đôn đốc giải quyết, nhất là các kiến nghị liên quan đến quyền lợi, những vấn đề bức thiết của người dân, hay những ý kiến, kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm như lĩnh vực điện, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bất cập về hệ thống hồ đập, kênh mương thủy lợi…

Tập trung giám sát nhiều vấn đề “nóng”

Giám sát được HĐND huyện Nghi Lộc xác định là hoạt động quan trọng và được huyện tiến hành thông qua hai hình thức: giám sát trực tiếp thông qua chất vấn tại kỳ họp và giám sát thông qua thành lập các đoàn giám sát chuyên đề. Nội dung được lựa chọn chất vấn, giám sát là những tồn tại, hạn chế đang đặt ra trong thực tiễn, được người dân quan tâm.

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND huyện Nghi Lộc đã tổ chức các phiên chất vấn đối với 6 lãnh đạo phòng, ngành chuyên môn UBND huyện liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường; về chăn nuôi, cung ứng giống, phân bón, xây dựng mô hình sản xuất; về trật tự xây dựng, vấn đề xây dựng trái phép, xây dựng không đúng quy hoạch; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền; vấn đề ách yếu của lĩnh vực điện; công tác quản lý trên lĩnh vực giáo dục đào tạo, cơ sở vật chất, sắp xếp, bố trí giáo viên, thực hiện quy chế dân chủ ở trường học…

Về hoạt động giám sát chuyên đề, tính riêng năm 2022, Thường trực và các Ban HĐND huyện đã triển khai 9 cuộc giám sát chuyên đề tại 47 cơ quan, đơn vị. Đáng quan tâm là giám sát công tác quản lý Nhà nước về thu, chi ngân sách và huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng; tình hình thực hiện và xử lý các vụ việc vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, xây dựng trái phép, an ninh trật tự; việc thực hiện Nghị quyết của HĐND huyện về phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình dự án; công tác cải cách hành chính, quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” cấp huyện và xã…

Thông qua hoạt động chất vấn, giám sát, nhiều bất cập, hạn chế từ thực tiễn mà HĐND huyện kết luận, kiến nghị đã được UBND huyện và các đơn vị tiếp thu nghiêm túc để khắc phục. Như qua giám sát thực hiện các nghị quyết của HĐND huyện về phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình, dự án, UBND huyện đã chỉ đạo chấn chỉnh một số công trình chậm tiến độ hoặc hạn chế chất lượng. Hay qua chất vấn công tác quản lý Nhà nước về đất đai, UBND huyện, xã đã tăng cường quản lý, đặc biệt tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhất là các trường hợp tồn đọng vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Hoạt động của trung tâm giao dịch “một cửa” huyện và công tác cải cách hành chính từ huyện đến xã có nhiều chuyển biến; khắc phục được một số ách yếu liên quan đến điện sinh hoạt của người dân…

Ngoài kết luận, kiến nghị để UBND huyện và các phòng, ngành cấp huyện, cơ sở chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế, Thường trực HĐND huyện cũng chủ động đề xuất UBND huyện nghiên cứu xây dựng chính sách để trình HĐND huyện thông qua nhằm thúc đẩy sự phát triển, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Như chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất công nghệ cao 200 triệu đồng/mô hình (hiện đã có 15 mô hình được hỗ trợ); hỗ trợ mô hình cải cách hành chính cấp xã 100 triệu/mô hình (đã có 9 mô hình được hỗ trợ); nâng mức hỗ trợ xây dựng trường chuẩn quốc gia từ 300 lên 500 triệu đồng; hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn trên 40 tỷ đồng...

Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch HĐND huyện Lê Thị Hiền, những đổi mới và hiệu quả hoạt động của HĐND huyện Nghi Lộc thời gian qua, chính là xuất phát từ việc lắng nghe, thấu hiểu, trách nhiệm của cơ quan dân cử, sự vào cuộc phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết những vấn đề “nóng”, bức xúc từ thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, tỷ lệ kiến nghị của cử tri được giải quyết triệt để chưa cao; một số kiến nghị đang được cử tri phản ánh nhiều lần. Đây là vấn đề đặt ra cho HĐND huyện Nghi Lộc tiếp tục trăn trở, làm tốt hơn vai trò của mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của huyện.