Việc còn rất nhiều!
Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành ngày 30.1.2022. Trong đó, Chính phủ giao cho các bộ, ngành những nhiệm vụ rất cụ thể để triển khai hiệu quả Chương trình nhằm đưa đất nước tăng trưởng 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025.
Từ đó đến nay đã hơn 2 tháng! Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều tối 4.4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã cập nhật sơ bộ tiến độ thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết 11.
Cụ thể, một số nhóm cơ chế, chính sách đã được ban hành và triển khai ngay như giảm thuế giá trị gia tăng (Bộ Tài chính). Một số chính sách vừa ban hành và sẽ triển khai trong thời gian tới như: hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); cơ chế đặc thù về khai thác mỏ làm vật liệu thông thường phục vụ các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Bên cạnh đó có một số dự thảo Nghị định, Quyết định đang “trên bàn” Thủ tướng và Chính phủ chờ xem xét và quyết định như: Dự thảo Nghị định về hướng dẫn hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại (Ngân hàng Nhà nước); dự thảo Nghị định hướng dẫn liên quan đến cơ chế đặc thù về chỉ định thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); dự thảo Quyết định phê duyệt về hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách Xã hội (Bộ Tài chính)…
Nhóm thứ ba là các văn bản, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến như: dự thảo sửa đổi Thông tư 12 năm 2016 về sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp (Bộ Khoa học Công nghệ); dự thảo Thông tư về trang bị máy tính bảng cho chương trình "Sóng và máy tính cho em" (Bộ Tài chính); dự thảo Quyết định của Thủ tướng liên quan đến thủ tục, trình tự lãi suất cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Về đầu tư công, các dự án của Chương trình phục hồi là danh mục mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp danh mục để báo cáo Thủ tướng cho phép thông báo với các bộ, ngành địa phương triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn. Hiện tại, 5 dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, gồm 2 đường vành đai của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 3 dự án cao tốc của Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành công tác thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Có thể nói, nhiệm vụ các bộ, ngành được giao tại Nghị quyết 11 có ý nghĩa rất quan trọng, bởi chỉ khi phần việc này hoàn thành mới có cơ sở cụ thể để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đối chiếu giữa nhiệm vụ được giao và phần đã thực hiện, rõ ràng khối lượng công việc còn lại rất lớn và điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ cũng như hiệu quả của Chương trình phục hồi.
Theo ADB, sự phục hồi của Việt Nam phụ thuộc việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Nguồn: ITN
Thủ tướng 3 lần ra công điện
Cũng trong 2 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính 3 lần ban hành Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 11. Động thái này cho thấy sự quan tâm chỉ đạo và cả sự “sốt ruột” của người đứng đầu Chính phủ.
Trong Công điện mới nhất ký ngày 31.3, Thủ tướng đánh giá “tiến độ thực hiện nhiều nhiệm vụ đến nay còn chậm, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra tại Chương trình”. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, cơ quan chậm hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong tháng 3.2022 nghiêm túc rút kinh nghiệm, không được để tiếp tục chậm trễ.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ rõ những nhiệm vụ các bộ, ngành phải hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền với thời hạn cụ thể, chậm nhất trước ngày 10.4. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình; xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của chương trình trong năm 2022 - 2023. Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương trình Thủ tướng ban hành Quyết định về điều kiện, trình tự, thủ tục, mức lãi suất cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương sửa đổi Thông tư 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC đối với các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương triển khai việc trang bị máy tính bảng theo Chương trình "Sóng và máy tính cho em" từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng trước ngày 15.4.2022.
Doanh nghiệp, người dân nóng lòng chờ đợi
Để đẩy nhanh tiến trình phục hồi sau đại địch Covid-19, Quốc hội đã họp bất thường để kịp thời ban hành các gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ. Chính phủ đã sớm cụ thể hóa thành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp và người dân cũng dẻo dai cầm cự và thể hiện năng lực thích ứng với khó khăn khi bắt đầu đưa kinh tế trở lại đường ray tăng trưởng hình chữ V; đồng thời đang nóng lòng chờ đợi các giải pháp chi tiết của Chương trình phục hồi sẽ giúp cải thiện và thúc đẩy lại nền kinh tế.
Từ đó, yêu cầu đặt ra với các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là các bộ ngành, địa phương phải triển khai các nhóm nhiệm vụ Thủ tướng giao trong Nghị quyết 11 và các Công điện với tinh thần “làm việc nào dứt việc đó” để Chương trình phát huy hiệu quả ngay lập tức và cao nhất. Điều này càng đặc biệt quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp có thể là lực cản đối với đà phục hồi của Việt Nam như: cuộc xung đột tại Ukraine; giá dầu và lạm phát tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; một số nền kinh tế lớn thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách tiền tệ… tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta.
Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhận định, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai nhanh chóng và hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tới đâu. Nếu các bộ, ngành dềnh dang, người dân và doanh nghiệp sẽ không được tiếp sức đúng thời điểm. Như vậy Chương trình hỗ trợ phục hồi sẽ không đạt kết quả như mong đợi và nền kinh tế nước ta sẽ lỡ nhịp với thế giới và con đường đến với thịnh vượng vào năm 2045 hẳn là sẽ gập ghềnh hơn...
Hà Lan