20220216120749hop-tv-a2--n1.jpg Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp Ảnh: Lâm Hiển

Sáng 16.2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu.

Bổ sung những nội dung phù hợp với thực tiễn

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, dự thảo Nghị quyết gồm 6 điều, trong đó giữ nguyên 3 điều (Điều 3, Điều 4 và Điều 5); sửa đổi, bổ sung nội dung ở 2 điều (điều 1, 2), chỉnh lý 1 điều (Điều 6) về mặt kỹ thuật cho phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, về vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu, quy định tại Nghị quyết 575/UBTVQH12 chưa thể hiện hết vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu, do vậy, dự thảo nghị quyết bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua. Đó là, Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu Quốc hội, tổ chức bộ máy và nhân sự, công tác Hội đồng nhân dân, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công.

20220216120754hop-tv-a3.jpg Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình Ảnh: Lâm Hiển

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu, nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn (Điều 2), theo đó, lược bỏ những nhiệm vụ đã được điều chuyển cho Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; bổ sung một số nhiệm vụ đã được giao thực hiện và nhiệm vụ mới theo yêu cầu đổi mới về tổ chức, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn mới, tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ.

Theo đó, đối với bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân: Về cơ bản giữ như Nghị quyết 575/UBTVQH12, sắp xếp lại cho hợp lý hơn, điều chỉnh các nhiệm vụ cho phù hợp với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

Đối với đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội: phân định rõ hơn nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Đây là những công việc Ban Công tác đại biểu được giao chuẩn bị, tập hợp hồ sơ, tài liệu liên quan để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp xem xét, quyết định. Bổ sung nội dung tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội “theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”, đây là nhiệm vụ mới. Phối hợp tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết cử Đoàn công tác của Quốc hội đi công tác nước ngoài.

Đối với chế độ, chính sách của đại biểu Quốc hội và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải là đại biểu Quốc hội: điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định mới về chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 quy định bổ sung chế độ và điều kiện về một số chế độ và điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu Quốc hội; Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ chi tiêu đảm bảo hoạt động của Quốc hội.

Đối với công tác tổ chức bộ máy và nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: làm rõ hơn nhiệm vụ tham mưu của Ban Công tác đại biểu đối với công tác tổ chức bộ máy và nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bổ sung nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về số lượng, chức danh, biên chế và vị trí việc làm (theo chủ trương của Đảng) đối với công chức, viên chức các cơ quan tham mưu, giúp việc trong khối Quốc hội; các tổ chức nghị sỹ hữu nghị Việt Nam và các tổ chức khác của đại biểu Quốc hội (theo Luật Tổ chức Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020); vai trò tổng hợp, điều hòa của Ban Công tác đại biểu về công tác nhân sự Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại biểu Quốc hội chuyên trách và nguyên đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tham gia các Hội (theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19.12.2017 của Bộ Chính trị).

Đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân: bổ sung nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỷ luật nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định trong Luật cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18.9.2020 của Chính phủ về xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Ban Công tác đại biểu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với việc bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hoạt động dành cho đại biểu dân cử: làm rõ hơn các nhiệm vụ của Ban trong công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và phối hợp bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Bổ sung thêm 2 nhiệm vụ trong lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu về xây dựng pháp luật và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ mối liên hệ công tác với các cơ quan, tổ chức.

Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, “những nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đã được thể hiện chi tiết trong dự thảo Nghị quyết nhằm đồng bộ hóa các quy định của pháp luật liên quan đến nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu; phân định rõ hơn nhiệm vụ giữa Ban Công tác đại biểu với các cơ quan khác khi thực hiện chung một số nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật”.

Không bỏ sót nhiệm vụ nhưng cũng không trùng lắp, chồng chéo với thẩm quyền của các cơ quan khác

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày và cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu để thay thế Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31.1.2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Ban Công tác đại biểu.

20220216120759hop-tv-a4.jpg Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết Ảnh: Lâm Hiển

Ủy ban Pháp luật thấy rằng, để tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được trong tổ chức và hoạt động của Ban Công tác đại biểu trong thời gian qua thì việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/UBTVQH12 cần bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cần đánh giá, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, toàn diện về tổ chức và hoạt động của Ban Công tác đại biểu thời gian qua, tiếp tục kế thừa những quy định còn phù hợp, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định có bất cập, chưa rõ, chưa phù hợp, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động của Ban trong tình hình mới.

Thứ hai, cần rà soát kỹ các quy định của Đảng và pháp luật có liên quan về những nội dung thuộc phạm vi phụ trách của Ban Công tác đại biểu, đặc biệt là các quy định mới của Đảng về công tác cán bộ và các luật về tổ chức bộ máy vừa được sửa đổi, bổ sung, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành trong nhiệm kỳ vừa qua để bảo đảm không bỏ sót nhiệm vụ nhưng cũng không trùng lắp, chồng chéo với thẩm quyền của các cơ quan khác.

Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu phải đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của Ban trong tình hình mới, đặt trong tổng thể đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan khác thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết thêm, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được Ban Công tác đại biểu chuẩn bị công phu, nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong hồ sơ còn kèm theo Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Ban Công tác đại biểu. Tuy nhiên, đề nghị Ban Công tác đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm, làm sâu sắc hơn các nội dung về phương hướng đổi mới, phát triển của Ban trong bối cảnh, tình hình mới.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới, thay thế Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31.1.2008. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị xác định rõ mối quan hệ giữa Ban Công tác đại biểu với các cơ quan khác, nhằm tránh trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, nhất là trong công tác cán bộ.

Kết luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự cầu thị, tiếp thu của Ban Công tác đại biểu và sự chủ động phối hợp của Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có liên quan. Cơ quan trình sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sẽ có báo cáo giải trình tiếp thu chi tiết.

Về vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu, đây là nội dung được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh lý theo nguyên tắc đúng vị trí, chức năng của Ban Công tác các đại biểu tại Điều 1 của Nghị quyết.

Về phân định rõ nhiệm vụ do Ban Công tác đại biểu chủ trì làm đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện những nhiệm vụ phối hợp, tham gia những nhiệm vụ Ban Công tác đại biểu chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan cần rà soát thật kỹ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban để đảm bảo phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành, không chồng lấn với thẩm quyền của các cơ quan khác.

Về cách thức thể hiện, dự thảo nghị quyết cần thể hiện khái quát, cô đọng hơn các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban, sắp xếp thứ tự làm sao đảm bảo sự logic của Nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với nội dung chỉnh lý về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ban Công tác đại biểu và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban, Phó Trưởng ban. Tuy nhiên, đối với một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, đề nghị Ban Công tác đại biểu chủ động làm việc với Ban Tổ chức Trung ương xin ý kiến, nếu được chấp thuận sẽ bổ sung vào Nghị quyết này.

Về sự phối hợp giữa Ban Công tác đại biểu là đầu mối thẩm tra với các cơ quan Quốc hội trong việc báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định số lượng phể chuẩn danh sách thành viên, phê chuẩn chức danh, cho thôi làm thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội - Đây là nội dung quan trọng, cần bảo đảm quyền của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia làm thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, quyền đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, bảo đảm vai trò của Ban Công tác đại biểu trong việc tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội cân đối, điều hòa về số lượng, thành phần thành viên của từng cơ quan.

Đối với nội dung về vai trò của Ban Công các đại biểu trong việc tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với việc bắt, giam giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội tại Điểm d, khoản 2, Điều 2, để bảo đảm phù hợp với thực tế, tán thành việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban theo hướng là cơ quan đầu mối, phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp có ý kiến đối với các nội dung liên quan đến quy trình, thủ tục tố tụng, bảo đảm theo quy định của pháp luật. Đề nghị Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp lưu ý vấn đề này khi đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trong Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,

Tán thành với ý kiến của Ủy ban Pháp luật là Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu cần đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thời điểm ban hành Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến của Ủy ban Pháp luật là Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Công tác đại biểu cần đảm bảo thống nhất, đồng bộ với việc sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ban Công tác đại biểu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan xác định rõ phạm vi, nguyên tắc, nội dung cần thể hiện trong từng văn bản để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lắp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Ban Công tác đại biểu tiếp thu các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm chất lượng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại Phiên họp tháng 3 tới đây.