Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega xin giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất. Ảnh minh họa
Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo rà soát, tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, bất động sản ở các địa phương. Đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, gây mất ổn định thị trường, kịp thời xác minh, làm rõ các sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật không để xảy ra trục lợi. Rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập, thiếu sót, tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất nhằm phòng, chống hiệu quả các hành vi lợi dụng, hành vi vi phạm để trục lợi. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra, tăng cường công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây mất ổn định thị trường.
Đấu giá quyền sử dụng đất là phương thức giúp Nhà nước huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Thông qua hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất góp phần tạo lập sự ổn định, sự minh bạch, công bằng xã hội trong hoạt động giao đất, cho thuê đất, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người sử dụng đất cũng như tạo cơ sở cho sự phát triển thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản. Tiếc rằng, thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng hoạt động đấu giá đất, cấu kết với nhau tạo “quân xanh, quân đỏ” nhằm tạo “sóng”, thổi giá đất để trục lợi.
Tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá đất là vấn đề được nhắc đến nhiều trong nhiều kỳ họp Quốc hội. Một lần nữa vấn đề này lại tiếp tục “nóng” khi đại biểu Quốc hội chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.
Nêu ý kiến phản ánh của cử tri về hiện tượng đấu giá đất có “bắt tay ngầm”, nhà đầu tư trả giá trên trời rồi bỏ cọc như ở Khu đô thị Thủ Thiêm - TP. Hồ Chí Minh làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất khu vực lân cận lên cao dẫn đến giá đất ảo, khiến công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu chất vấn với tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường: “Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?”
Với tinh thần thẳng thắn, không né tránh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đấu giá đất nổi lên không chỉ “thổi giá” mà còn có “dìm giá”, “quân xanh - quân đỏ” gây nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản, thất thoát tài sản nhà nước, an ninh tiền tệ. Một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh - quân đỏ”, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng “xã hội đen” đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ.
Ngoài ra, có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi. Một số nơi có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”... như vụ đấu giá đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020, tại huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội năm 2021...
Có lẽ đỉnh điểm lùm xùm về đấu giá đất đai thời gian qua là vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm với mức trúng đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng/m2. Với giá trúng đấu thầu được ví như là “ở trên trời” đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận xét mức giá này là “bất thường và đây là điển hình làm nhiễu loạn thị trường”.
Không khó để nhận thấy, sự nhảy múa của giá đất thời gian qua, hay “bong bóng” bất động sản có sự tham gia giúp sức của các “cò đất”, của liên minh “quân xanh – quân đỏ” trong quá trình tham gia đấu giá đất.
Để chấn chỉnh tình trạng này, trong Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ Chín vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan; nhất là các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, tỷ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã có. Điều quan trọng là các bộ, ngành liên quan và địa phương cùng vào cuộc, rà soát để đề xuất, sửa đổi các quy định liên qua đến đấu giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, cần có chế tài xử lý đủ mạnh đối với những trường hợp cố tình làm méo mó hoạt động đấu giá đất để trục lợi. Chỉ khi hoạt động đấu giá đất bị “siết” bởi cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý trách nhiệm đủ sức răn đe thì mới chấm dứt tình trạng “giá đất trên trời”, ngăn chặn tình trạng “bong bóng” đất xảy ra.
Song Hà