Vẫn “giậm chân tại chỗ”

Báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho biết, trong năm 2023 có gần 391 nghìn lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 37,5% so với năm 2022) với tổng số người được tiếp là gần 434 nghìn người (tăng 41,8%) và hơn 294 nghìn vụ việc (tăng 33,2%).

z4752955654947_64894d34341b240e53b5644bd459840f.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Minh Trang

Các cơ quan hành chính tiếp nhận hơn 446 nghìn đơn các loại; đã xử lý gần 423 nghìn đơn, có hơn 342 nghìn đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 76,6% tổng số đơn đã xử lý. So với năm 2022, số đơn các loại tăng 29,6%, đơn khiếu nại tăng 20,5%, đơn tố cáo tăng 23,5%. Các bộ, ngành trung ương tiếp nhận gần 75 nghìn đơn các loại (tăng 79,3% so với năm 2022); đã xử lý hơn 71 nghìn đơn, có gần 38 nghìn đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 50,4%, trong đó khiếu nại là hơn 11 nghìn đơn (tăng 67,6%).

Cũng theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, tổng số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp là hơn 21 nghìn vụ việc, tăng 15,5%; đã giải quyết hơn 17 nghìn vụ việc, đạt 81,8%.

Đánh giá chung về tình hình công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai ghi nhận, trong thời gian qua, công tác phối hợp và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thẩm quyền đã có nhiều chuyển biến tốt và được quan tâm sát sao hơn so với các năm trước. Những chuyển biến này khẳng định được sự quan tâm của các cơ quan có thẩm quyền đến quyền lợi và lợi ích của những công dân có khiếu nại, khiếu kiện.

Đồng tình với nhận định nêu trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Minh Nam đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ có nhiều điểm mới, cung cấp được các thông tin về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên cơ sở tích hợp; nêu rõ nguyên nhân, định hướng và những giải pháp để công tác này ngày càng tốt hơn.

Ghi nhận những nỗ lực, kết quả đạt được, song theo các đại biểu, do nhiều nguyên nhân nên công tác giải quyết đơn, thư của các cấp có thẩm quyền vẫn còn có nhiều bất cập, chất lượng giải quyết một số vụ việc chưa cao. Báo cáo kết quả giải quyết đơn thư và thông báo trả lời cho công dân còn chậm, nội dung trả lời chung chung chung, dẫn đến việc công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh kéo dài.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành, về giải quyết khiếu nại và tố cáo, nhìn vào chỉ tiêu theo báo cáo thì dường như công tác này đang “gi

ậm chân tại chỗ”. Về chất lượng, đối với khiếu nại lần đầu tại các cơ quan nhà nước, khiếu nại sai là 82,9%, so với năm 2022 (82,9%) là bằng nhau. Tuy nhiên, khiếu nại lần 2 của năm 2023 là 17,3% trong khi năm 2022 là 16,6%, như vậy đã tăng so với năm trước, cho thấy tình hình chưa có nhiều sự chuyển biến trong công tác giải quyết khiếu nại.

Làm rõ nguyên nhân tăng các vụ việc khiếu nại

Phân tích các kết quả đạt được, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, Báo cáo của Chính phủ nêu tỷ lệ giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành trung ương là 90,6% và của các địa phương là 79,9%. Trong khi đó, năm 2022, tỷ lệ giải quyết khiếu nại đạt 83,8%; thuộc thẩm quyền của bộ, ngành Trung ương là 92,6% và các địa phương là 81,6%. Giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ này là 96,8% ở cả Trung ương và địa phương. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại năm 2023 giảm, nhưng về số lượng vụ việc được giải quyết lại tăng 23%. Như vậy, có hai khả năng. Một là, Nhân dân tin tưởng vào hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính nhà nước, nên tỷ lệ đến để khiếu nại, tố cáo và phản ánh, kiến nghị tăng và tỷ lệ gửi đơn tăng. Hai là, pháp luật chưa được thực hiện nghiêm và dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp chưa được bảo đảm, dẫn đến số lượng đơn khiếu nại, tố cáo đủ điều kiện xử lý, giải quyết tăng. Do đó, Báo cáo của Chính phủ cần có đánh giá làm rõ nguyên nhân tại sao các vụ việc khiếu nại tăng trong thời gian vừa qua, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị.

Liên quan đến kết quả tiếp công dân, theo Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện tiếp công dân 143 ngày (đạt 92% số ngày tiếp theo quy định) với 317 lượt công dân được tiếp (bao gồm tiếp định kỳ, tiếp đột xuất, việc ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân), trong đó trực tiếp tiếp công dân 65 ngày. Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị, phải bổ sung rõ, cụ thể số ngành, số lượng tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất của người đứng đầu cơ quan hành chính, cụ thể là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các cấp để có cơ sở đánh giá và thấy được trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu.

Cùng ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, tỷ lệ trực tiếp tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ còn thấp khi chỉ đạt 45% và 55%, còn lại là ủy quyền cho cấp phó. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, Báo cáo cần làm rõ nguyên nhân tỷ lệ tiếp công dân của người đứng đầu. Mặt khác, tỷ lệ tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh là 112%, Chủ tịch UBND cấp huyện là 103% số ngày tiếp theo quy định, nhưng ở UBND cấp xã chỉ đạt 83%. Vì vậy, phải làm rõ vì sao lại có sự chênh lệch giữa cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh.

Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để rà soát kỹ lưỡng số liệu trong Báo cáo, có đánh giá các nguyên nhân, hạn chế còn tồn tại. Nhấn mạnh điều này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy nêu rõ, sẽ bổ sung, phân tích thêm một số kết quả đã đạt được, bảo đảm Báo cáo có chất lượng cao nhất khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp tháng 10 này.