Với 10 nghị quyết về giám sát và chất vấn của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu Khóa XIV đến hết Kỳ họp thứ Tư liên quan đến 21 nhóm vấn đề, phiên chất vấn tại Kỳ họp này thực sự rất “mở”. Các đại biểu có thể đặt câu hỏi ở bất cứ lĩnh vực nào. Điều này buộc các bộ trưởng, trưởng ngành phải nắm rõ, nắm chắc lĩnh vực quản lý của mình cũng như tiến độ thực hiện các cam kết trước Quốc hội, trước cử tri.
Là hoạt động tái giám sát của Quốc hội, phiên chất vấn được kỳ vọng sẽ làm rõ các bộ trưởng, trưởng ngành đã hiện thực hóa lời hứa của mình ra sao! Bao giờ cũng vậy - hứa thì dễ, làm khó hơn rất nhiều! Thực tế cũng có những vấn đề rất không dễ tạo ra chuyển biến ngay lập tức hoặc có thể giải quyết trong một sớm một chiều; ngược lại cũng có những việc trong tầm tay xử lý của bộ trưởng, trưởng ngành. Vậy nhưng, cử tri có quyền được biết cụ thể tiến trình giải quyết những vấn đề nóng bỏng, bức xúc mà đại biểu Quốc hội, thay mặt cho cử tri, đã nêu ra và các bộ trưởng, trường ngành đã hứa, đã cam kết sẽ hành động.
Ở góc độ này, phiên chất vấn là cơ hội để các bộ trưởng, trưởng ngành giải trình với cử tri cả về những việc đã làm được, chưa làm được và những khó khăn, vướng mắc chủ quan, khách quan của ngành mình. Qua đó, đại biểu Quốc hội và cử tri sẽ có đánh giá xác đáng: từng bộ trưởng, trưởng ngành - người nào thực sự nỗ lực, trách nhiệm sát sao, người nào tạo ra chuyển biến tích cực, người nào phản ứng chậm với thời cuộc… Một điều cũng không thể thiếu - đó là phiên chất vấn sẽ làm rõ trách nhiệm chính trị của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc nghị quyết về giám sát và chất vấn của Quốc hội. Khi chế độ trách nhiệm được xác lập, các vấn đề sẽ được giải quyết nhanh hơn, cơ bản hơn.
Không chỉ là nơi “sát hạch” các bộ trưởng, trưởng ngành, phiên chất vấn còn là nơi các đại biểu chứng tỏ vai trò “đại biểu nhân dân” của mình. Phải kết nối chặt chẽ, phải tương tác mật thiết với cử tri, đại biểu mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri - vốn rất đa dạng về nhu cầu và lợi ích. Câu chất vấn chính là căn cứ để cử tri đánh giá đại biểu của họ có thật sự hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của mình hay không? Không dễ dãi, không “hỏi cho có”, mà ngược lại, nắm vấn đề, hỏi trúng điều cử tri cần, làm rõ được trách nhiệm chính trị của các bộ trưởng trước các vấn đề nóng cử tri quan tâm - đó là “thước đo” mức độ “xứng đáng” của người đại biểu với phiếu bầu cử tri dành cho họ.
Vô cùng hợp lý khi tiến hành tái giám sát ở thời điểm này - Quốc hội Khóa XV đang bước vào giữa nhiệm kỳ. Không chỉ làm rõ tiến độ thực hiện các cam kết, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, phiên chất vấn còn nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp với thực tế; từ đó giúp các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ Quốc hội giao. Điều này một lần nữa thể hiện tinh thần Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ trong từng khâu, từng việc. Và, khi các Nghị quyết của Quốc hội được triển khai, thực hiện tốt cũng có nghĩa Quốc hội đã hoàn thành trọng trách của mình.