Làm rõ các hạn chế, cụ thể hoá trách nhiệm để có giải pháp khắc phục
Phiên thảo luận tại Tổ 3 gồm đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại các huyện: Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành và thị xã Thái Hoà. Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh tại Thanh Chương chủ trì điều hành phiên thảo luận Tổ 3.
Tham dự thảo luận tại Tổ 3 có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Thái Thị An Chung - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh và đơn vị cấp huyện.
Cần cụ thể hoá trách nhiệm đối với các hạn chế
Mở đầu phiên thảo luận, bên cạnh bày tỏ sự phấn khởi với nhiều mảng sáng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023; đại biểu Lô Thị Kim Ngân (huyện Thanh Chương) đặt ra băn khoăn và đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành cần phân tích, “mổ xẻ” sâu nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan ở góc độ quản lý nhà nước, trách nhiệm của các cấp, các ngành, từ đó đề ra các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả đối với các hạn chế đã chỉ ra liên quan quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Cũng quan tâm đến báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ năm 2024; đại biểu Trần Ngọc Sơn (huyện Tân Kỳ) đề nghị UBND tỉnh cần xác định rõ các điểm “nghẽn” trong 4 chỉ tiêu không đạt trong năm 2023; vấn đề nào là do cơ chế, chính sách, vấn đề nào do yếu tố khách quan, chủ quan và trách nhiệm rõ ràng từng ngành, đơn vị, địa phương, để HĐND tỉnh đánh giá toàn diện, đưa ra các quyết nghị phù hợp trong năm 2024.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Văn Lương (đại biểu TX Thái Hòa) nêu một số khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi, sắp xếp các tổng đội TNXP, đề nghị tỉnh có quan tâm tháo gỡ; đại biểu Hoàng Phú Hiền khẳng định nỗ lực đeo bám của tỉnh đối với Trung ương để thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông và giải trình làm rõ nguyên nhân, giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công cũng như triển khai 2 dự án trọng điểm là cảng nước sâu Cửa Lò và sân bay Vinh chậm.
Một hạn chế cũng được các đại biểu: Phạm Tuấn Vinh (thị xã Thái Hoà), Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương), Trần Ngọc Sơn (huyện Tân Kỳ) thảo luận liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số; tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, chủ yếu đang do công chức cơ sở trực tiếp làm hoặc hướng dẫn cho người dân…
Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI đứng vị trí tốp 10 cả nước và đà phát triển trong những năm tới đảm bảo giữ vị trí này.
Một số chỉ tiêu chưa đạt, trong đó có tốc độ tăng trưởng, mặc dù chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch, song so với tốc độ bình quân chung cả nước và chỉ tiêu HĐND tỉnh giao thì đạt ở mức cao hơn; thu ngân sách đạt 112% chỉ tiêu HĐND tỉnh giao.
Về nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh tập trung tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù mang tính vượt trội, trình Quốc hội ban hành nghị quyết mới cho tỉnh Nghệ An để cụ thể hoá Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tập trung xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết để thực hiện; trong đó chú trọng xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ và xử lý cơ sở vật chất dôi dư trong phương án sắp xếp đơn vị hành chính.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng lưu ý các cấp, các ngành quan tâm triển khai, đưa các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành đi vào cuộc sống; gắn rà soát để bãi bỏ các chính sách hiệu quả không cao, manh mún, nhỏ lẻ và đề xuất ban hành các chính sách đủ mạnh, thúc đẩy phát triển; quan tâm giải quyết các kiến nghị cử tri chất lượng, hiệu quả.
Bài toán nhân lực ngành giáo dục, y tế
Ở Tổ 3, vấn đề được nhiều đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các địa phương và sở, ngành cấp tỉnh quan tâm thảo luận về nhân lực ngành giáo dục và y tế.
Đại biểu Nguyễn Đức Hồng (huyện Yên Thành) phản ánh tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học, nhất là tiểu học, mầm non và số giáo viên xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc chuyển công việc khác có xu hướng gia tăng; điều này ảnh hưởng đến sự ổn định và chất lượng giáo dục ở các bậc học.
Bên cạnh thiếu giáo viên bậc tiểu học và mầm non, các đại biểu Phan Thị Minh Lý (huyện Yên Thành) và Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương) phản ánh vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên bậc trung học cơ sở; dẫn đến tình trạng bố trí dạy chéo môn, dạy liên trường, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, nhất là bộ môn được đào tạo với bộ môn được bố trí dạy không liên quan với nhau.
Vì vậy, trong điều kiện thiếu giáo viên, giải pháp tình thế phải bố trí dạy chéo môn, tuy nhiên ngành Giáo dục cần quan tâm bố trí, điều chuyển cần chú ý đảm bảo hài hoà về năng lực, sở trường của giáo viên.
Một số đại biểu cũng đề xuất tỉnh quan tâm đến chính sách đối với giáo viên bố trí dạy liên trường, giáo viên từ các trường được điều động biệt phái công tác ở phòng Giáo dục; đảm bảo thực hiện đúng chế độ theo quy định đối với giáo viên dạy vượt tiết; quan tâm tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh…
Trên cơ sở ý kiến tham gia thảo luận của các đại biểu, đại diện lãnh đạo các sở: Nội vụ, Y tế, Giáo dục - Đào tạo đã tiếp thu, giải trình trực tiếp các vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm quản lý của mình. Trong đó đưa ra đề xuất tỉnh nghiên cứu việc tinh giản biên chế trong ngành Y tế và Giáo dục cần tính đến yếu tố đặc thù.
Mai Hoa