Dự kiến, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày làm việc cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, bắt đầu từ sáng 6/11 đến hết sáng 8/11. Việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như tại các kỳ họp thông thường mà sẽ chất vấn tổng thể chung.
Theo đó, đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ liên quan việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Cuộc sát hạch quan trọng giữa nhiệm kỳ
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, chất vấn là một trong những hoạt động giám sát thường xuyên, hữu hiệu của Quốc hội để xem xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cá nhân người được chất vấn và cơ quan, tổ chức có liên quan với những vấn đề cụ thể được cử tri, đồng bào cả nước đặc biệt quan tâm, từ đó có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Do đó, hoạt động này luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri, đồng bào cả nước.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên), Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Khác với các kỳ họp khác của Quốc hội khi chỉ có tối đa 4 lĩnh vực được lựa chọn để chất vấn, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 - kỳ họp giữa nhiệm kỳ sẽ chất vấn chung về việc thực hiện các cam kết của các Bộ trưởng, trưởng ngành, cũng như việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, bao quát nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, từ kinh tế tổng hợp, kinh tế ngành văn hoá-xã hội, quốc phòng, an ninh đến nội chính, tư pháp, kiểm toán nhà nước.
Đại biểu dẫn lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là hình thức “giám sát sau giám sát” bởi suy cho cùng, điều mà cử tri, đồng bào cần chính là kết quả thực hiện. Nếu chỉ chất vấn mà không quay trở lại để làm rõ, đánh giá kết quả, đặc biệt là việc thực hiện các lời hứa của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành thì các phiên chất vấn sẽ chỉ sôi động được trong chốc lát.
Đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ kỳ vọng vào việc đổi mới cách thức tiến hành và nội dung sâu, rộng của phiên chất vấn sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà cử tri, đồng bào cả nước quan tâm; xác định rõ năng lực, trách nhiệm các Bộ trưởng, trưởng ngành, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nâng cao đời sống của người dân.
“Đây thực sự là cuộc sát hạch quan trọng giữa nhiệm kỳ của cử tri, đồng bào cả nước, do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội là người đại diện, nhất là sau khi vừa tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trao đổi bên hành lang Quốc hội.
Ưu tiên những vấn đề liên quan đến lợi ích chung của đất nước
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) trả lời câu hỏi của phóng viên bên hành lang Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội phải chất vấn đúng tầm, tức là phải làm rõ trách nhiệm thuộc chức năng, thẩm quyền của Bộ trưởng, trưởng ngành.
“Tại sao chức năng, nhiệm vụ như thế mà anh lại không làm, điều kiện không khác gì người khác tại sao anh không làm được? Hoặc là xảy ra hậu quả xấu mà anh lại hoàn toàn đổ lỗi cho người khác, đó là vấn đề đại biểu quốc hội cần chất vấn tới nơi tới chốn”, đại biểu Lê Thanh Vân lưu ý.
Đại biểu bày tỏ quan tâm đến việc tuân thủ pháp luật và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, bộ ngành Trung ương, nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng. Theo đó, người đứng đầu phải tuân thủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định. Có hiểu được như thế mới biết được giới hạn, phạm vi của mình để phòng ngừa trước.
“Tất nhiên, nếu như phòng ngừa bằng cách không làm gì cả thì đấy chính là hành vi vi phạm pháp luật vì không thực hiện nhiệm vụ mà pháp luật trao cho anh”, đại biểu đoàn Cà Mau làm rõ.
Làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của các trụ cột tăng trưởng kinh tế
Trao đổi trước thềm phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương), Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, thời gian gần đây, cử tri rất hài lòng với việc Quốc hội chọn lựa những vấn đề quan trọng để chất vấn và giám sát. Đây đều là những vấn đề nóng, có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội.
Theo đại biểu, việc chất vấn các vấn đề này trong một phiên họp giữa nhiệm kỳ sẽ tạo áp lực lớn cho các thành viên Chính phủ. Khi trả lời, các Bộ trưởng, trưởng ngành cần dựa vào thực tế đã triển khai hoạt động trong thời gian vừa qua để giải trình thỏa đáng những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) phát biểu ý kiến trong một phiên thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. |
“Tôi tin rằng phiên chất vấn này cũng là cơ hội để các đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ về những thành tựu và khuyết điểm. Thông qua đó, các thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc đối mặt với những việc chưa hoàn thành và tổ chức triển khai các yêu cầu của Quốc hội trong thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ, đặc biệt là trong kế hoạch thực hiện 5 năm”, đại biểu cho hay.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ, đây không phải là cuộc chất vấn tổng thể, mà là chất vấn các lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các nghị quyết đã được Quốc hội thông qua về giám sát chuyên đề.
Không phải tất cả các vấn đề đều được chất vấn trong kỳ họp này, vì có những vấn đề mà Quốc hội không đưa vào nghị quyết và có thể sẽ không được chất vấn. Chủ tọa cũng có thể từ chối yêu cầu của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, cách làm này giúp chúng ta tập trung vào những vấn đề mà Quốc hội đã đề ra.
Với tư cách là đại biểu Quốc hội và Ủy viên Thường trực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết sẽ đặc biệt quan tâm chất vấn các vấn đề liên quan đến sự suy giảm của các trụ cột tăng trưởng kinh tế hiện nay, bên cạnh các lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Ủy ban.
Đại biểu đoàn Hải Dương kỳ vọng sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ thể hiện hiệu quả pháp lý của hoạt động này bằng một nghị quyết, trong đó đánh giá rõ những thành tựu đã đạt được và những vấn đề cần tiếp tục giải quyết để bảo đảm hoạt động giám sát. “Đây có thể được xem như một cách làm mới. Với cách tổ chức như vậy, cử tri sẽ dễ dàng theo dõi việc thực hiện các cam kết của các thành viên Chính phủ hơn”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nói.