Đó là vào dịp tháng 5, chúng tôi được về với Trường Sa. Sau hơn 48 giờ hành trình liên tục trên con tàu HQ 957, đảo Đá Lớn đã rõ dần trong nắng sớm.
Mọi người dường như quên hết mệt vì say sóng, tất cả ùa lên boong tàu. Ấn tượng đầu tiên là những gương mặt rạng rỡ, những cái xiết tay thật chặt của lính đảo. Cảm giác rưng rưng, xúc động, cảm phục cứ tươi mới, cứ dày lên trong chúng tôi mỗi lần được đặt chân lên các đảo Len Đao, Đá Đông, Đá tây, Đá lớn… Tại những đảo chìm, để có được tòa nhà 3 tầng như pháo đài sừng sững giữa biển trời như thế, khó có thể hình dung được biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của lớp lớp chiến sĩ đã thấm vào mỗi viên đá, hạt cát, đã hòa vào lòng biển cả quê hương.
Nhớ về Trường Sa đó là nắng và gió. Mới sáng sớm, nắng đã chói chang. Nắng sáng lóa trên mặt biển mênh mông. Nắng thêm nóng hơn khi dội xuống những hòn đảo chìm không một bóng cây. Nắng bỏng rát và khó chịu hơn trước vô vàn cơn gió biển thổi ào ạt, liên tục quất vào da thịt. Chỉ qua hành trình 12 ngày đêm trên biển đảo mà cả đoàn, nhất là cánh đàn ông ai nấy đều đen cháy. Dường như không ở đâu mà bầu trời lại cao và trong xanh thăm thẳm như ở Trường Sa. Vì vậy mà có lẽ không ở đâu, con người lại khát khao những cơn mưa như nơi này. Cả mùa khô đằng đẵng, những bể nước mưa dự trữ cứ cạn dần. Ngày chúng tôi ra thăm đảo, từ cán bộ đến chiến sĩ mỗi người chỉ được dùng không quá 5 lít nước/ngày. Chừng ấy thôi đã hiểu hơn phần nào sự khắc nghiệt của quần đảo được gọi là “bão tố”, thấm thía hơn và cảm phục trước sự gian khổ hy sinh của những người lính hàng năm trời bám trụ, giữ biển đảo Tổ quốc.
Trong rất nhiều cuộc gặp gỡ, những người lính Trường Sa không hề nói đến sự gian khổ, hy sinh. Với các anh, tất cả những khó khăn, gian khổ ấy đã thành quen, và trở nên bình thường. Tôi nhớ tâm sự của Đại úy Nguyễn Văn Thọ - Đảo trưởng đảo Sinh Tồn: Hàng ngày các anh luôn phải xử lý việc tàu nước ngoài lấn sâu khai thác đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của ta; Phải đề cao cảnh giác và hết sức kìm chế trước âm mưu khiêu khích để gây hấn của lực lượng quân sự nước ngoài. Mỗi hòn đảo nhỏ là điểm tựa niềm tin vững chắc, là chỗ dựa an toàn cho ngư dân mỗi khi có bão hay bị tai nạn, ốm đau, thiếu dầu, nước ngọt, thiếu lương thực vươn khơi bám biển. Tôi rưng rưng xúc động trước lời nhắn gửi mẹ của chiến sĩ trẻ Hà Văn Duẩn - quê ở huyện Diễn Châu: Mong mẹ hãy giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con. Chắc mẹ không hình dung được là con đã trưởng thành như thế nào sau gần một năm trong màu áo chiến sĩ hải quân...
Khó khăn, gian khổ luôn hàng ngày hàng giờ phải đối mặt, vượt qua. Vậy mà trên mỗi hành trình chúng tôi tới, các đảo Nam Yết, Len Đao, Đá Đông, Trường Sa lớn đều tràn trề sức sống. Ngay trên các đảo chìm và nhà dàn DK1, nhiều vườn rau vẫn xanh tốt. Tiếng cục tác tìm ổ của những gà mái mẹ, tiếng kêu đòi ăn của đàn lợn dưới bóng mát bàng vuông khi có người tới gần...thân thuộc như mọi làng quê Việt. Trường Sa hôm nay đã thành quê mới của nhiều gia đình từ mọi miền tới lập nghiệp. Ngày mới bắt đầu ở đảo Trường Sa lớn là khi những người đàn ông vừa đi biển về, với mẻ lưới nặng cá; những người phụ nữ dậy sớm chăm vườn, cho lợn gà ăn và chuẩn bị bữa sáng cho con trẻ tới trường. Các em nhỏ hồn nhiên lớn lên trong nắng gió, như những cây phong ba non, từng ngày bám rễ sâu vào lòng biển đảo Tổ quốc. Trường Sa giờ đây đã không còn xa xôi với đất mẹ. Sức sống Trường Sa càng thêm trỗi dậy, sinh sôi ngay từ nơi khắc nghiệt nhất.
Trở về từ Trường Sa, tôi cứ ám ảnh mãi về lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo vào ngày 14.3.1998. Trên vùng biển này, 22 năm về trước, đã xảy ra trận chiến đấu ác liệt của các chiến sỹ hải quân Việt Nam với Hải quân Trung Quốc. Lần ấy, sau một thời gian khiêu khích, đe dọa, không khuất phục trước ý chí cương quyết bảo vệ biển đảo của cán bộ chiến sĩ tàu HQ 604 do Trung tá Trần Đức Thông và thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy, lực lượng hải quân Trung Quốc được trang bị nhiều vũ khí hiện đại đã nã pháo vào tàu 604 của Hải quân Việt Nam. Trước hành động trắng trợn và phi lý của địch, các chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu. Thiếu úy Trần Văn Phương, tay không vũ khí, giữ chặt cờ Tổ quốc trên đảo hô lớn: Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc. Trong trận chiến đấu không cân sức ấy, 64 người con kiên trung của đất mẹ đã hy sinh để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Đến hôm nay thi thể các anh vẫn còn nằm lại dưới lòng biển lạnh.
Tôi nhớ mãi cái buổi sáng hôm ấy, mùi hương trầm theo gió hòa vào trời biển mênh mông. Vòng hoa kết hình cờ Tổ quốc và những bông cúc vàng được giữ gìn suốt chuyến đi đã được lặng lẽ thả vào lòng biển. Vị mặn mòi của biển đã lẫn theo nước mắt của những người trên boong tàu. Càng thấm thía hơn sự thiêng liêng, vô giá trong hai tiếng “chủ quyền” của Tổ quốc!