70 năm trước, Việt Nam đã cho thế giới thấy hình ảnh một quốc gia yêu chuộng hòa bình thông qua quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Geneva năm 1954. Ngày nay, tinh thần ấy vẫn được coi trọng và thể hiện trong đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Trận chiến không tiếng súng
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Việt Nam bước vào một trận chiến khác - trận chiến không tiếng súng nhưng cũng gây cho ta rất nhiều căng thẳng. Đó là cuộc đấu tranh ngoại giao giữa ta và phái đoàn các nước tại Hội nghị Geneva 1954.
Lần đầu tiên trong lịch sử, một hội nghị quốc tế được diễn ra để công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ta tiến hành kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Quá trình đàm phán Hiệp định diễn ra trong vòng 75 ngày với tổng cộng 31 phiên họp. Các bên tham gia đều theo đuổi những tính toán và tham vọng khác nhau, với nhiều cuộc gặp riêng được diễn ra.
Chính phủ Pháp muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình, nhưng do không muốn rời Đông Dương trong thế thua nên họ vẫn vô cùng ngoan cố, không chấp nhận các thiện chí của ta trên bàn đàm phán.
Thêm vào đó, đây là hội nghị giữa các nước lớn dù mang danh nghĩa một hội nghị quốc tế và phái đoàn Việt Nam còn rất non trẻ. Hiệp định Geneva như một bàn cờ chính trị mà ở đó Việt Nam phải giữ vững quan điểm đặt chủ quyền và lợi ích quốc gia lên trên hết.
Rõ ràng, đối với một nền ngoại giao còn quá non trẻ, thành công buộc các nước lớn phải công nhận độc lập chủ quyền của ta là một chiến công đáng ghi nhận trong lịch sử.
Sau sự kiện này, Việt Nam rút ra được nhiều bài học trong công tác đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Đó là nguyên tắc “biết địch biết ta” và giữ thế chủ động trong việc tiếp cận, đàm thoại với đối tượng chính. Những kinh nghiệm đó được Đảng và chính phủ ta vận dụng triệt để trong thời gian ký kết Hiệp định Paris 1973 và công cuộc xây dựng đất nước sau này.
Thành quả của khát vọng dân tộc
Hiệp định Geneva là thành quả của khát vọng hòa bình, là chiến thắng của quá trình chín năm Việt Nam kháng chiến trường kỳ.
Nhân dân Việt Nam không mong gì hơn ngoài độc lập tự do, dù cho có phải trả bằng máu. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ điều này: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Những người dân đứng lên cầm vũ khí chống lại thực dân Pháp, phát xít Nhật cùng bè lũ tay sai không phải vì họ là một dân tộc hiếu chiến. Tất cả chỉ để họ và con cháu mai sau có một cuộc sống hạnh phúc bình yên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Như vậy, chính nhân dân Việt Nam mới là chủ thể quan trọng, trực tiếp nhất dẫn đến thành công của Hội nghị Geneva. Thắng lợi quân sự đảm bảo cho vị thế ngoại giao được phát huy. Nếu không có kỳ tích Điện Biên Phủ, sẽ rất khó để có một Hiệp định Geneva được ký kết.
Hiệp định Geneva là thắng lợi của hành trình đấu tranh ngoại giao đầy gian nan của Đảng và Chính phủ ta với chính phủ Pháp suốt 9 năm từ khi thành lập nhà nước cộng hòa. Đó là hành trình thể hiện quan điểm và lập trường của ta về sự phi nghĩa của chiến tranh Đông Dương, là sự công nhận sau nhiều lần bị cố tình phớt lờ.
Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, chính phủ đã chủ trương đối ngoại ôn hòa, thêm bạn bớt thù. Ta coi thực dân Pháp xâm lược là kẻ thù chứ không phải toàn bộ người nhân dân Pháp. Ta đã ứng xử khôn khéo với những các nước lớn khác như Mỹ, Anh, Nhật. Ta kêu gọi “nhân dân và chính phủ các nước trên cả thế giới, nhất là nhân dân Pháp, hãy ủng hộ chính nghĩa… để đi đến kết quả hòa hảo cho cả hai dân tộc và bảo vệ nền hòa bình thế giới”. Nhưng Pháp ngày càng lấn tới…
Tại Hội nghị Fontainebleau tháng 5/1946, Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh đến vấn đề đình chiến, giải quyết tình hình ở Nam Bộ. Nhưng Pháp không mảy may xem trọng đề nghị này.
Từ tháng 6 - 9/1946, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao: Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Đảng cộng sản Pháp, cuộc họp tại lâu đài Fontainebleau, họp báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh... để làm rõ lập trường của ta với Pháp và nhân dân thế giới. Pháp vẫn tỏ thái độ hiếu chiến.
Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Việt Nam vẫn không ngừng có những cuộc gặp gỡ, trao đổi với Đảng cộng sản Pháp, chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa để làm bày tỏ thiện chí và mong muốn kết thúc chiến tranh. Việt Nam còn chủ động trao trả một số tù binh cho Pháp.
Từ cuối năm 1953, Chính phủ Việt Nam xúc tiến đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, là tiền đề đi đến Hiệp định Geneva. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thẳng thừng, nếu chính phủ Pháp đã “rút được bài học”, muốn đi đến đình chiến bằng cách giải quyết theo lối hòa bình, thì “nhân dân và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”.
Nhưng chỉ tới khi thực dân Pháp thất bại đau đớn trên chiến trường Điện Biên Phủ, dã tâm xâm lược của chúng bị giáng một đòn mạnh mẽ, ta mới buộc được chính phủ hiếu chiến của Pháp chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Geneva.
Hiệp định Geneva không chỉ tỏ rõ thiện chí hòa bình quốc gia, mà sâu xa hơn là hòa bình quốc tế. Không chỉ là đình chiến tại Việt Nam, mà còn là đình chiến cho hai nước anh em Đông Dương. Các quyền dân tộc cơ bản của cả ba nước Đông Dương đều phải được công nhận.
Chúng ta yêu cầu Hội nghị tôn trọng quyền lợi pháp lý của Lào và Campuchia khi hai nước này bị xem nhẹ tại buổi đàm phán. Ý kiến của ta luôn nhất mực rõ ràng: “Muốn khôi phục hòa bình ở Đông Dương cần phải giải quyết đồng thời cho cả ba dân tộc… Việc chú ý đặc biệt tới sự quan hệ mật thiết ấy của ba dân tộc là hết sức cần thiết cho những vị đại diện tham gia Hội nghị cũng như cho những người quan tâm đúng đắn đến vấn đề hòa bình ở Đông Dương”.
Giữ hòa khí, xây dựng mối quan hệ lâu dài
Kể cả tại Hội nghị Geneva, ta vẫn chấp nhận ghi lùi ngày ký hiệp định để giữ hòa khí, tạo thuận lợi cho hội nghị, và giữ mối quan hệ về lâu về dài.
Những gì ta thể hiện ở Geneva đều nhất quán với đường lối từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Dù Việt Nam có đang trong giai đoạn gian khó, gồng mình lên chiến đấu với Pháp, thì khẩu hiệu ủng hộ hòa bình thế giới vẫn luôn được nêu cao. Bằng cách này, Việt Nam đã hòa mình vào dòng chảy chung của quốc tế, cho quốc tế thấy Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu, một quốc gia ôn hòa và đáng mến.
Sự ủng hộ nhiệt thành của bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã góp phần chứng minh cho tính chính nghĩa của ta. Suốt từ 1950 đến 1954, có biết bao nhiêu cuộc biểu tình trong lòng nước Pháp yêu cầu chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Nhiều binh lính Pháp đã chống đối mệnh lệnh, nhiều phóng viên nước ngoài đã đến Việt Nam để viết bài ủng hộ cho chính phủ Việt Minh. Những hành động này đã gây được sức ép không nhỏ đến quá trình đi đến Hội nghị Geneva 1954…
Đã qua 70 năm lịch sử nhưng những giá trị từ Hiệp định Geneva vẫn được nối dài theo năm tháng. Đất nước Việt Nam ngày nào oằn mình trong bom đạn giờ đang trong quá trình đi lên mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Những chủ trương như: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước” hay “Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nghiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” đã cho thấy truyền thống ngoại giao hòa bình vẫn luôn được Đảng và Chính phủ ta gìn giữ và bảo vệ.
Song, Việt Nam vẫn giữ một quy tắc bất di bất dịch, đó là sự hòa hảo của ta luôn có chừng mực rõ ràng. Ta sẽ không nhân nhượng bằng bất cứ giá nào, trong mọi tình huống luôn luôn giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ thành quả của bao người đã nằm xuống năm xưa.
Chuyện thú vị về việc chấp nhận ghi lùi ngày ký kết Hiệp định GenevaĐến nay đã 70 năm trôi qua, thế nhưng ít ai biết được câu chuyện việc ký kết các Hiệp định của Hội nghị Geneva (Thụy Sĩ) về vấn đề đình chỉ chiến sự và thiết lập lại hòa bình của các nước Đông Dương tháng 7/1954 đều được ghi lùi lại 1 ngày.