Song hành với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng là nhiệm vụ cấp bách đặt ra. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác này cũng còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại. Tình trạng thất thoát, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều lĩnh vực, ở không ít bộ, ngành, địa phương, cơ quan. Quy hoạch "treo", dự án "treo" vẫn xảy ra khá phổ biến; đất đai chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án khá lớn, gây lãng phí nguồn lực đất đai, thất thu ngân sách nhà nước.

Trước thực trạng này, Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội nêu rõ: giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan tiếp tục thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.030 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 2.099 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện. Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 592 tỷ đồng 4ha đất; xử lý hành chính 892 tổ chức, 2.818 cá nhân... Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận trong quá trình đôn đốc thanh tra, kiểm tra, góp phần thu hồi tài sản về cho Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thu hồi dự án "treo" vẫn là một kết quả còn để ngỏ. Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu rất rõ: “thu hồi triệt để các dự án "treo" và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán”, nhưng trên thực tế, kết quả thu hồi các dự án "treo", các dự án sử dụng đất chậm tiến độ và các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa cụ thể. Trước thực trạng này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; thu hồi triệt để các dự án "treo" và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo yêu cầu tại Nghị quyết số 74/2022/QH15.

Dù chỉ là một trong những biểu hiện của sự lãng phí, thất thoát, nhưng lãng phí trong sử dụng đất đai bởi dự án "treo", quy hoạch "treo" như nhận định của đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Định) trên diễn đàn Quốc hội là “vô cùng lớn”. Sự lãng phí này không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, làm mất đi cơ hội phát triển của đất nước. Và đáng nói là, không ai khác, chính người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi những dự án "treo", quy hoạch "treo". Chỉ khi sống ở nơi mà “không biết ngày khởi đầu, cũng chưa có ngày kết thúc dự án" mới thật sự thấu hiểu được nỗi khổ của người dân vùng quy hoạch "treo", dự án "treo".

Thời gian qua, không ít địa phương đã rất quyết tâm trong việc thu hồi dự án "treo" và thực sự đã tạo nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng thực hiện được điều này. Bởi thực tế việc thu hồi các dự án "treo" cũng không phải là việc đơn giản. Việc thu hồi cần xử lý hài hòa, thấu đáo lợi ích giữa các bên, chính quyền phối hợp với chủ đầu tư gỡ vướng mắc dẫn đến tình trạng “treo”. Địa phương đánh giá, rà soát tổng thể, công khai các dự án treo, dự án chậm tiến độ buộc phải thu hồi. Kiên quyết, thu hồi, hủy bỏ những dự án "treo" chậm tiến độ vì lý do chủ quan. Xử lý nghiêm trách nhiệm các cơ quan, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra tình trạng dự án "treo", quy hoạch "treo"; cố tình chậm trễ trong việc thu hồi dự án không thực hiện theo đúng cam kết đầu tư.