Không thể phủ nhận thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã rất nỗ lực trong việc cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC để tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Dù đã có những chuyển biến tích cực, song cắt giảm, đơn giản so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn chậm. Sự chậm trễ này ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp khi phải gánh chịu những chi phí, đó là chưa kể về sự lãng phí cơ hội do những rào cản từ các TTHC mang lại.
Nhằm đánh giá một cách toàn diện, đưa ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục tồn tại liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, lần đầu tiên Chính phủ có một báo cáo riêng về rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập TTHC gửi tới Quốc hội. Báo cáo cũng cho thấy một bức tranh khá toàn diện về các vướng mắc, bất cập trong thực hiện TTHC. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, một số quy định, TTHC tại một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn; quy định về thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết một số TTHC còn qua nhiều tầng nấc, khâu trung gian. Việc cắt giảm, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhưng chủ yếu khi có sức ép mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc chỉ đạo trực tiếp của cấp trên mới được quan tâm thực hiện…
Không chỉ là việc đơn giản, cắt giảm TTHC còn những vướng mắc, bất cập, mà theo phản ánh từ các tổ chức, hiệp hội cũng cho thấy việc xử lý, kiến nghị của các bộ, ngành cũng còn thấp với 39.000 phản ánh, kiến nghị trên tổng số hơn 66.000 phản ánh, kiến nghị, đạt 59%. Đáng nói là, vẫn còn nhiều kiến nghị về TTHC đã được đề xuất nhiều lần tại các hội nghị đối thoại giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để hoặc mỗi địa phương lại xử lý, giải quyết khác nhau. Trong đó, lĩnh vực thuế, nhiều doanh nghiệp phản ánh vướng mắc về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, về hóa đơn điện tử, quy định nộp thuế tại địa phương đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh. Trong lĩnh vực hải quan, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thời gian giải quyết việc cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất; hoàn thuế xuất nhập khẩu; kiến nghị giảm thời gian hoàn thuế…
Điều đó cho thấy, ngoài việc đơn giản, cắt giảm các TTHC thì các kiến nghị nhiều lần của người dân, doanh nghiệp là vấn đề cần được Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm để giải quyết cho triệt để. Chỉ khi những kiến nghị được giải quyết thỏa đáng, thấu tình đạt lý thì tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về cải cách TTHC mới tăng lên, góp phần thúc đẩy cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
Nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV đã giao nhiệm vụ rất cụ thể, theo đó, Chính phủ tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong quá trình quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động chính sách cụ thể đối với các quy định về TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai thành công Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật và chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, phân cấp trong giải quyết TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, người dân và doanh nghiệp mong rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo sát sao các bộ, ngành bắt tay ngay vào triển khai thực hiện. Vẫn biết cắt giảm TTHC là công việc không đơn giản, nhưng vì lợi ích chung, đòi hỏi người đứng đầu phải kiên quyết cắt giảm bằng được những TTHC đang làm khó người dân, doanh nghiệp.