Sáng 10/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
Toàn cảnh phiên làm việc sáng 10/1 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Phát biểu thảo luận về nội dung dự án luật trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An, đồng ý với nhiều ý kiến các đại biểu, đặc biệt là các ý kiến nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung lần này chỉ nên tập trung vào việc tháo gỡ những điểm nghẽn, vấn đề bất cập thực sự đã rõ để góp phần thúc đẩy sự phát triển đất nước.
Trao đổi thêm về kỹ thuật lập pháp, cụ thể là kỹ thuật một luật sửa nhiều luật, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nói, từ khi áp dụng lần đầu năm 2008 đến nay, kỹ thuật này đã có nhiều đóng góp cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với nhiều ưu điểm như: Tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc xây dựng luật, không phải lặp lại các bước của thủ tục lập pháp, có thể khắc phục nhanh chóng những mâu thuẫn có thể có của hệ thống pháp luật.
Các đại biểu dự kỳ họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Tuy nhiên, theo phân tích của vị đại biểu Đoàn Nghệ An, việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật cũng có những hạn chế nhất định, nếu bị lạm dụng có thể ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật cũng như dẫn đến khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc tra cứu và áp dụng pháp luật. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, việc áp dụng kỹ thuật lập pháp này làm giảm cơ hội tranh luận một cách chi tiết vào từng nội dung sửa đổi, bổ sung cũng như việc nghiên cứu lấy ý kiến phản biện;…
“Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước cho thấy, kỹ thuật một luật sửa nhiều luật không thể thay thế hoàn toàn cho kỹ thuật lập pháp truyền thống mà chỉ nên được áp dụng trong một số trường hợp nhất định và phải bảo đảm có sự kiểm soát chặt chẽ”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu phát biểu.
Cũng theo vị đại biểu Đoàn Nghệ An, ở nước ta, mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định các trường hợp được phép sử dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật nhưng việc áp dụng kỹ thuật này đang có xu thế tăng lên.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Khánh
Nếu trong giai đoạn 2008 - 2015, chỉ chiếm tỷ lệ 19% tổng số luật được ban hành thì từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có hiệu lực đến nay, tỷ lệ này chiếm khoảng 40,7%. Vì vậy, theo ông Hoàng Minh Hiếu, Quốc hội cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn đối với việc sử dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật trong thời gian tới.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự đề cập đến nhiều nội dung khác nhau và thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị, chỉ xem xét thông qua những nội dung cấp bách thực sự là điểm nghẽn, điểm vướng mắc đã được làm rõ và có sự thống nhất cao; không xem xét thông qua những nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Các đại biểu dự kỳ họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Cùng với đó, do dự án luật này điều chỉnh nhiều vấn đề tách biệt, không liên quan đến nhau về mặt nội dung nên đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị khi biểu quyết thông qua, Quốc hội lần lượt biểu quyết từng nội dung sửa đổi, bổ sung, trước khi biểu quyết thông qua toàn dự án luật.
Riêng việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở, ông Hoàng Minh Hiếu kiến nghị trước mắt chỉ sửa đổi, bổ sung để làm rõ và hiểu thống nhất các hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật Nhà ở hiện hành quy định, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải đất ở làm dự án nhà ở thương mại.
Vì vấn đề này cần có đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng; trong trường hợp cần thiết có thể tiến hành thí điểm nội dung này ở một số địa phương, trước khi được tổng kết, luật hóa khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai sửa đổi.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An trao đổi với các đại biểu bên lề phiên làm việc sáng 10/1 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng kiến nghị Quốc hội cần tổng kết, đánh giá kỹ việc sử dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật để áp dụng một cách thống nhất, chặt chẽ, đúng chức năng của kỹ thuật lập pháp này trong thời gian tới./.
Thành Duy