bna-mh3-9772.jpg.webp
Sáng 12/10, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có cuộc làm việc với UBND huyện Thanh Chương theo chương trình khảo sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành thuộc lĩnh vực pháp chế. Đồng chí Phạm Thành Chung - Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Tham gia cùng đoàn giám sát có lãnh đạo Sở Nội vụ và Công an tỉnh. Ảnh: MH

Khảo sát phạm vi 5 nghị quyết

Kế hoạch khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh ở phạm vi 5 nghị quyết. Gồm:

Nghị quyết số 13, ngày 13/11/2020 về số lượng, mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh (có sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 22, ngày 12/11/2022).

Nghị quyết số 05, ngày 13/7/2017 về mức chi bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 06, ngày 13/7/2017 về mức trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Nghị quyết số 08, ngày 22/7/2020 về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn dôi dư do thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ và Phó Trưởng công an, Công an viên thường trực tại xã, thị trấn dôi dư do bố trí Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết số 21, ngày 14/7/2022 phê duyệt Đề án xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa trụ sở làm việc cho Công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2030.

bna-mh5-4719.jpg.webp
Đoàn công tác khảo sát hệ thống giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên không gian điện tử. Ảnh: MH

Làm rõ nhiều khó khăn, vướng mắc

Trước khi làm việc với UBND huyện, đoàn công tác của HĐND tỉnh đã trực tiếp khảo sát và nắm bắt tình hình triển khai thực hiện 5 nghị quyết HĐND tỉnh ban hành thuộc lĩnh vực pháp chế tại thị trấn huyện Thanh Chương.

Làm việc với UBND huyện Thanh Chương, đoàn công tác HĐND tỉnh đã ghi nhận, huyện Thanh Chương đã tập trung triển khai các nghị quyết thông qua chỉ đạo các cấp, các ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị và tuyên truyền đến tận các đối tượng thụ hưởng.

bna-mh4-4576.jpg.webp
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Văn Chiến báo cáo, nêu những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong thực tiễn triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức. Ảnh: MH

Ngoại trừ Nghị quyết số 06 và Nghị quyết số 21, khi triển khai 3 nghị quyết của HĐND tỉnh, huyện Thanh Chương đã được ngân sách cấp và chi cho các đối tượng thụ hưởng với 8.226 người.

Đây là các cơ chế chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, các lực lượng để động viên, tạo động lực, khích lệ tinh thần, trách nhiệm công tác của các đối tượng được thụ hưởng; góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, đơn vị và từng địa phương, thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.

bna-mh1-5236.jpg.webp
Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Nguyễn Thị Anh Hoa kiến nghị UBND tỉnh làm rõ một số khó khăn, vướng mắc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh. Ảnh: MH

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn công tác của HĐND tỉnh và UBND huyện Thanh Chương đã trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề về công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh trong triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành; những khó khăn, vướng mắc, bất cập và những kiến nghị, đề xuất.

Đó là việc lựa chọn địa điểm để xây dựng trụ sở Công an xã theo Nghị quyết số 21 đối với các xã trong diện sáp nhập chưa được triển khai vì đang trong thời gian triển khai chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; Nguồn kinh phí địa phương đảm bảo bố trí xây dựng trụ sở Công an các xã còn hạn chế; Việc trang cấp các thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo Nghị quyết số 14 thiếu theo quy định.

bna-mh-7981.jpg.webp
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đậu Đình Dương phát biểu một số vấn đề liên quan đến chính sách cho cán bộ, công chức và giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sáp nhập. Ảnh: MH

Một số địa phương chi trả định mức bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri, Nhân dân theo Nghị quyết 05 chưa đảm bảo đúng định mức quy định…

Kiến nghị tỉnh có chính sách giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sáp nhập xã

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, huyện Thanh Chương cũng nêu nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến chế độ chính sách và giải quyết cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách.

bna-mh6-6803.jpg.webp
Công chức tư pháp, UBND thị trấn Thanh Chương giải quyết thủ tục hành chính đăng ký kết hợp cho công dân. Ảnh: MH

Cụ thể, giai đoạn này, huyện Thanh Chương có 16 xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập và qua rà soát có 161 cán bộ, công chức dôi dư; trong đó có 74 cán bộ chuyên trách. Huyện Thanh Chương đề xuất tỉnh nghiên cứu cơ chế chính sách cho xét tuyển số cán bộ chuyên trách sang công chức xã.

Trên cơ sở tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của huyện Thanh Chương, đoàn công tác HĐND tỉnh đề nghị huyện Thanh Chương tiếp tục chỉ đạo và xây dựng các giải pháp triển khai có hiệu quả trong thực tiễn các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành; quan tâm sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện từng nghị quyết, trên cơ sở đó tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để kiến nghị HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ.

Mai Hoa