Mặc dù đã có quy định pháp luật, nhưng lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Lãng phí xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng ngân sách hay trong quản lý, sử dụng đất đai và mua sắm tài sản công. Hậu quả của những hành vi gây lãng phí không dễ nhìn thấy, không dễ lượng hóa, mà chỉ khi cơ quan chức năng vào cuộc thì điều này mới được làm sáng tỏ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí là nhận thức pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân chưa đầy đủ. Đặc biệt, người đứng đầu một số nơi vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ quy định của pháp luật.
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 quy định về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí đồng thời có quy định liên quan đến khen thưởng đối với những người phát hiện, có thông tin phát hiện, ngăn chặn kịp thời không để lãng phí xảy ra. Thực tế triển khai cho thấy các quy định này chưa đủ “sức nặng” để khuyến khích người dân phát hiện, cung cấp thông tin về các hành vi gây lãng phí. Thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có trường hợp được khen thưởng về công tác này.
Bên cạnh đó, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện hành đã có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra lãng phí tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Tuy nhiên, những quy định trong luật chưa thể hiện hết trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chậm ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong từng lĩnh vực làm cơ sở để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hay chậm ban hành các Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực. Mặt khác, Luật cũng chưa có cơ chế để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Chính điều này dẫn tới tâm lý “đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm” sợ trách nhiệm trong khi thi hành công vụ, dẫn tới lãng phí tài nguyên, lãng phí cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội nêu rõ, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn. Quốc hội cũng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật.
Yêu cầu của Quốc hội đã rõ, giờ là lúc cần nghiêm túc khắc phục những hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như nâng cao hiệu quả của công tác này, Bộ Tài chính đề xuất các nội dung về khen thưởng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có kết quả tích cực trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đề xuất các biện pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí. Đối với cá nhân có giải pháp, sáng kiến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì được khen thưởng ngoài các hình thức khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng, mức khen thưởng căn cứ vào số kinh phí tiết kiệm được trong thực tế (có quy định mức tối đa). Đồng thời, đề xuất bổ sung quy định khuyến khích các cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo hướng: cho phép trích để lại một phần số kinh phí do ngăn chặn được lãng phí khi được phát hiện và ngăn chặn kịp thời cho chính người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo tỷ lệ % nhất định tính trên số tiền bị lãng phí đã ngăn chặn kịp thời nhưng có khống chế mức tối đa.
Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung hoàn thiện các quy định về xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập trung về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu và bổ sung quy định các trường hợp miễn trừ việc xử lý đối với cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW.
Cơ chế khuyến khích cung cấp thông tin phát hiện lãng phí tạo động lực để các tổ chức, cá nhân phát hiện, báo cáo về các trường hợp lãng phí. Việc xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là xử lý trách nhiệm người đứng đầu là rất cần thiết. Có như vậy mới phát huy được vai trò của người đứng đầu, tránh trách nhiệm chung chung, qua đó, giúp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.