Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, bảo tàng
“Chuyển đổi số” được hiểu một cách đơn giản là cách thức hoạt động của nhiều cá nhân, tổ chức, cụ thể là sự thay đổi về mô hình quản lý từ truyền thống bằng giấy tờ lên hệ thống phần mềm tập trung trực tuyến; từ quy trình miệng thành quy trình tự động hóa; với hệ thống dữ liệu rời rạc thì chuyển đổi số giúp hệ thống dữ liệu có thể liên kết với nhau và quản lý tập trung trên một hệ thống trực tuyến. Chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội thông minh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong xu thế chung hiện nay, công nghệ chuyển đổi số là một trong những động lực đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề triển khai ứng dụng công nghệ số đạt hiệu quả đã làm biến đổi và tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Với lĩnh vực văn hóa, bảo tàng, công nghệ số đã từng bước được đưa vào ứng dụng bảo tồn di sản thông qua việc số hoá các di tích, di sản văn hoá phục vụ lưu trữ, tiếp cận, quảng bá ... Nhờ vậy mà các thế hệ ngày nay có thể học hỏi, trau dồi thêm nhiều kiến thức theo cách mới, hiện đại, độc đáo và không kém phần hấp dẫn này. Đây là bước đi mang tính đột phá, phù hợp với xu thế hiện nay và trở thành một trong những mục tiêu cần hướng tới của nhiều bảo tàng trong cả nước.
Sự kết hợp công nghệ trong di tích, bảo tàng làm cho các hiện vật trở nên sinh động hơn. Đồng thời đây cũng là cầu nối rút ngắn khoảng cách và thúc đẩy các thế hệ tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan đến lịch sử. Hơn hết là gợi sự hứng thú và kích thích ham muốn tìm hiểu của thế hệ trẻ ngày nay đối với bảo tàng, di tích.
Nhờ công nghệ số mà những địa điểm xưa cũ, cổ kính tưởng chừng như quen thuộc và nhàm chán lại ẩn chứa nhiều điều mới mẻ mà có thể không phải ai cũng biết. Chìm đắm trong một không gian vừa lạ vừa quen, được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn những hiện vật, tác phẩm theo từng đường nét chi tiết, được hoà mình vào không gian giao thoa giữa hiện đại và cổ xưa khiến cho người xem phải ngỡ ngàng mà thích thú.
Chuyển đổi số để “Một chạm đến Quê Bác”
Bắt nhịp với xu thế đó, Khu di tích Kim Liên, một trong những di tích đặc biệt quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam, là nơi lưu giữ những di tích, kỷ vật gắn liền với quê hương, gia đình, thời niên thiếu và hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê, đang từng bước thực hiện công nghệ số, hiện nay là đơn vị tiên phong thực hiện ứng dụng công nghệ số về lĩnh vực bảo tàng tại Nghệ An trong một số lĩnh vực.
Trước tiên là số hóa hiện vật và di tích, chuyển đổi những tài liệu giấy sang tài liệu dạng tín hiệu số mà máy tính có thể hiểu và lưu trữ được. Các sản phẩm văn hóa như các hiện vật, tài liệu …. được lưu giữ vĩnh cửu, thay vì trước đây, khi chưa có công nghệ thì các sản phẩm văn hóa vật thể sẽ bị mai một dần theo thời gian, tuổi thọ các vật chất tạo nên không thể vĩnh cửu, do đó đã có nhiều sản phẩm chỉ còn sót lại một phần, đôi khi không thể khôi phục được như ban đầu vì không còn thông tin, hình ảnh gì về nó. Bên cạnh đó, chúng ta có thể dễ dàng tìm hiểu một cách nhanh chóng những thông tin của hiện vật.
Thứ hai là sử dụng màn hình cảm ứng ở các Nhà trưng bày tại làng Sen – Quê nội, Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan. Với công nghệ ảo VR 360 độ và công nghệ AR thực tế ảo tăng cường, du khách có thể tự tìm hiểu và khám phá những nội dung trưng bày, hiện vật và nhiều thông tin bổ ích khác qua màn hình điện tử có sẵn ngay tại các Nhà trưng bày chỉ bằng những cái chạm tay nhẹ.
Đặc biệt, thời gian gần đây Khu di tích Kim Liên đang từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống thuyết minh tự động để giúp du khách có thể dễ dàng tra cứu các thông tin khi đến tham quan như giờ mở cửa, thông tin liên hệ … thông qua quét mã QR, tải app. Hình ảnh sống động, sử dụng công nghệ VR360 – Công nghệ thực tế ảo hiển thị 360 độ toàn diện, tạo ra các bước di chuyển trên cao, người xem dễ dàng thao tác đến các địa điểm khác nhau. Độ cao các góc nhìn được thay đổi để người xem có thể xem bao quát. Bên cạnh đó, tái hiện chính xác không gian bên trong rất dễ quan sát; tích hợp google map thể hiện chính xác vị trí người xem; tích hợp hình ảnh, video, chữ …..
Với ứng dụng này, bất cứ ai, ở bất cứ đâu, chưa có điều kiện tham quan, khám phá Khu di tích Kim Liên thì có thể xem ảnh hiện vật, xem nội dung giới thiệu và nghe thuyết minh tự động. Đặc biệt du khách còn được nghe những câu chuyện thú vị, những nội dung thuyết minh bằng giọng xứ Nghệ về quê hương, gia đình, thời niên thiếu chưa từng được viết trên các báo, website … các nội dung được chính các cán bộ Khu di tích Kim Liên tìm hiểu và viết sau một thời gian ấp ủ với mong muốn lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với du khách, từ đó thu hút khách tham quan về với quê hương Bác ngày càng đông và hơn nữa, tạo điều kiện cho Nam Đàn nói riêng và Nghệ An nói chung ngày càng phát triển, đời sống tinh thần và vật chất của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Người xem chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại thông minh, quét mã QR là có thể nghe thuyết minh với âm thanh rõ, hình ảnh sắc nét - có thể “Một chạm đến Quê Bác”.
Với những nỗ lực và cố gắng Khu di tích Kim Liên đã và đang làm trong lĩnh vực chuyển đổi số, hy vọng sẽ truyền tải, lan tỏa hiệu quả hơn nữa những thông điệp về lịch sử, văn hóa, về tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều hơn tới người xem, đặc biệt góp phần nuôi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế du lịch, xây dựng và phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.