Lý do EC áp dụng "thẻ vàng" là bởi Việt Nam chưa kiểm soát được đội tàu dẫn đến tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài gia tăng, đồng thời chưa kiểm soát được tính hợp pháp của sản phẩm hải sản từ khai thác xuất khẩu sang thị trường EU. Với việc áp dụng "thẻ vàng", thủy hải sản của nước ta xuất khẩu sang EU bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, khiến doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn.

Để giải quyết tình trạng này, từ tháng 9.2022, Việt Nam mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý, quản lý đội tàu; theo dõi, kiểm tra kiểm soát tàu cá; truy xuất nguồn gốc; thực thi pháp luật cũng được các cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện...

Tuy nhiên thực tế, tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định còn diễn ra trên các vùng biển. Thông tin về tình trạng này, Báo cáo tại Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hồi tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, 8 tháng của năm 2023, cả nước có 26 tàu với 166 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác trong nước, nhập khẩu chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của EC. Việc thực thi pháp luật, xử lý, xử phạt theo Quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định tại một số địa phương rất yếu kém, thiếu trách nhiệm và chưa thống nhất, đồng bộ.

Những nhận định này là xác đáng, bởi như khẳng định của EC thì sau 3 lần thanh tra, quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực nhưng EC vẫn chưa gỡ "thẻ vàng" do một số địa phương thiếu quyết liệt trong thực hiện các khuyến nghị, còn để xảy ra tình trạng tàu cá xâm phạm ngư trường nước ngoài. Cho nên để chuẩn bị cho lần thanh tra thứ 4, dự kiến diễn ra trong tháng 10 này, tại Hội nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp để gỡ "thẻ vàng" của EC diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu chuẩn bị hồ sơ trung thực, tận dụng mọi cơ hội chứng minh để gỡ "thẻ vàng".

Các địa phương phải hợp tác, thẳng thắn, trung thực, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, không đối phó để có kết quả tốt nhất bởi việc chống khai thác IUU chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân chứ không phải vì việc thanh tra, kiểm tra của EC.

Chống khai thác bất hợp pháp thủy sản sẽ không còn là yêu cầu của riêng EU mà đang dần trở thành yêu cầu của các thị trường lớn khác. Vậy nên vấn đề đặt ra ở đây là các cấp, các ngành, các địa phương cần nâng cao ý thức người dân trong thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường.

Kết hợp chặt chẽ giữa xử lý vi phạm, tuyên truyền, giáo dục và chăm lo, nâng cao đời sống ngư dân, tạo sinh kế, việc làm cho người dân theo hướng tăng cường nuôi trồng, chế biến, giảm thiểu đánh bắt xa bờ. Bởi như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính là tránh vì lợi ích trước mắt mà quên lợi ích lâu dài. Tránh vì lợi ích cá nhân mà quên lợi ích tập thể, quốc gia.

Ninh Hà