Chiều 17/10, thông tin với báo chí, ông Tống Văn Lai, Cục phó Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ lùi thời gian trình phương án tăng lương tối thiểu tới cuối năm nay.

Thời gian dự kiến hết tháng 11 để đưa ra bàn bạc, thống nhất mức tăng trước khi trình Chính phủ. Do vậy, chắc chắn không kịp điều chỉnh tăng vào đầu năm 2024.

Thông lệ hàng năm, Hội đồng tiền lương sẽ họp trong 2-3 phiên. Phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba khi các bên tìm được tiếng nói chung.

Tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng.

Nguyên nhân là kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm...

lao-dong-le-anh-dung2-1457.jpg
Ảnh: Lê Anh Dũng

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng khoảng 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng 4 và 280.000 đồng với vùng 1.

Tuy nhiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc cho lao động cấp thiết hơn tăng lương.

Khảo sát về đời sống lao động nửa đầu năm 2023 cho kết quả thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu.

Thu nhập chỉ đáp ứng khoảng 70% chi tiêu của người được khảo sát. Mức chi tiêu của người lao động cũng đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao.

Từ ngày 1/7/2022, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng 180.000-260.000 đồng so với trước đó.

Cụ thể, lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu; vùng 2 là 4,16 triệu, vùng 3 là 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.