Sáng 1/8, UBND huyện Qùy Hợp đã tổ chức cuộc họp để nghe Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ báo cáo kết quả khảo sát, xác định nguyên nhân gây sụt lún ở xã Châu Hồng. Cuộc họp này do ông Lợi chủ trì.
Châu Hồng nhìn từ trên cao. Ảnh: T.H |
Tại cuộc họp, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ cho biết, đã xác định được 6 nguyên nhân dẫn đến thực trạng sụt lún, nứt nẻ nhà cửa, giếng nước khô cạn tại xã Châu Hồng và vùng lân cận. “6 nguyên nhân họ đưa ra đều là yếu tố tự nhiên, khách quan như do biến đổi khí hậu, do tầng địa chất, do hoạt động của các hang động phức tạp…. Có thể hiểu là nguyên nhân là do sụt nước ngầm, nhưng vì sao sụt nước ngầm thì họ không chỉ ra được”, ông Trần Đức Lợi nói.
Cũng theo ông Lợi, từ hơn 1 năm trước, trong báo cáo gửi UBND tỉnh, nguyên nhân do sụt nước ngầm cũng đã được huyện Qùy Hợp chỉ ra. “Bây giờ sau nhiều tháng điều tra, khảo sát, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ thông báo kết quả là do sụt nước ngầm là không có gì mới. Chúng tôi không chấp nhận, yêu cầu phải đánh giá cụ thể, rõ ràng. Phải chỉ ra được nguyên nhân sụt nước ngầm là do đâu, tác động từ cái gì. Để huyện còn đưa ra giải pháp lâu dài và ổn định, đồng thời để trả lời cho người dân và báo cáo cấp trên”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp nói.
Sau cuộc họp, lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đã yêu cầu Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ phải xây dựng kế hoạch chi tiết, báo cáo lại cho huyện trước ngày 10/8. “Chúng tôi yêu cầu họ phải có kế hoạch, xem xét có khảo sát tiếp hay không. Nếu không thì phải báo cáo lại để huyện có phương án khác”, ông Lợi nói thêm.Trước đó, huyện Quỳ Hợp đã ký hợp đồng, thuê Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ khảo sát, điều tra nguyên nhân gây ra sụt lún, giếng nước khô cạn trên địa bàn xã Châu Hồng. Hợp đồng thuê có kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ khoan thăm dò, tìm nguyên nhân. Ảnh: T.H |
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, một lãnh đạo Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ cho biết, theo yêu cầu huyện, suốt 3 tháng qua, đơn vị đã khoan 13 mũi khoan, kết quả không phát hiện dấu hiệu gì bất thường. “Thứ 2 nữa là trong quá trình khoan thăm dò điều tra, một số mỏ khoáng sản xung quanh không hoạt động, do đó quá trình điều tra đặc điểm địa chất, thủy văn tại khu vực đó, không có quan hệ mật thiết gì. Không xác định được dấu hiệu liên quan tới các mỏ khoáng sản. Không có số liệu khoa học nên chúng tôi không dám chỉ ra đơn vị nào trực tiếp gây ra nguyên nhân”, vị này nói.
“Chúng tôi cũng đã báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi không thể đưa ra kết luận vì không có cơ sở số liệu. Không thể kết luận một cách hồ đồ được. Không chỉ được đích danh cho ai là thủ phạm cả”, vị này nói và cho biết, muốn có cơ sở khoa học để chỉ đích danh nguyên nhân thì ít nhất phải mất 1 năm điều tra, tốn kém rất nhiều tiền.
Vết nứt tại một nhà dân ở xã Châu Hồng. Ảnh: T.H |
Trước đó, như Báo Nghệ An đã nhiều lần phản ánh, từ cuối năm 2019, nhiều giếng nước ở xã Châu Hồng bị cạn trơ đáy. Sau đó là tình trạng nứt nẻ, sụt lún nhà cửa, đe dọa tính mạng của người dân. Đến nay, xã đã ghi nhận 249 căn nhà dân bị nứt nẻ bất thường và sụt lún đất nền. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do doanh nghiệp khai thác quặng làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.
Ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, cho biết kể từ khi Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang ngừng việc bơm hút nước ngầm ở mỏ quặng Thung Lùn, từ cuối tháng 5 đến nay, không còn có thêm nhà nào bị nứt nẻ, sụt lún. Trong khi, toàn bộ 299 giếng của người dân trước đó cạn trơ đáy, nay cũng đã có nước trở lại. Theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng, hiện nay đã có 10 hộ nhà cửa bị nứt nẻ, sụt lún nghiêm trọng nhất, phải sơ tán người và tài sản, đã được chính quyền hỗ trợ với tổng số tiền hơn 283 triệu đồng./.
Tiến Hùng
Nguồn: BNA