ĐBQH TRẦN NHẬT MINH: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách cho đồng bào DTTS

Qua tiếp xúc cử tri vùng miền núi dân tộc miền Tây Nghệ An có thể thấy, hệ thống chính sách dân tộc đã tác động nhiều mặt đời sống của bà con đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, đời sống người dân vùng dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; đặc biệt về cơ sở vật chất và hạ tầng thiết yếu như trong Báo cáo tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2022 đã nêu.

Theo đại biểu Trần Nhật Minh, có nhiều nguyên nhân tác động như điều kiện tự nhiên, khó khăn nguồn lực đã ảnh hưởng đến đời sống bà con… Tuy nhiên, có nguyên nhân Chính phủ cần hết sức quan tâm, đó là hệ thống pháp luật liên quan đến công tác dân tộc đến nay chưa được củng cố; một số nội dung của chính sách còn thiếu đồng bộ; chưa có định mức hỗ trợ cụ thể đối với các đối tượng thụ hưởng còn thiếu hoặc chậm xây dựng sửa đổi, bổ sung.

Liên quan đến hạn chế tác động các quyết định công nhận xã, thôn khu vực 1, 2, 3 vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2022. Vấn đề này cử tri Nghệ An kiến nghị và được Ủy ban Dân tộc, Chính phủ trả lời. Để tháo gỡ khó khăn này, trên cơ sở tham mưu của Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ cũng có Văn bản số 7957 ngày 30.10.2021 chỉ đạo 6 Bộ (Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Nội vụ; LĐ, TB và XH; Ủy ban Dân tộc) theo chức năng, nhiệm vụ để đề xuất giải pháp cụ thể đối với các chính sách ban hành, và báo cáo cấp có thẩm quyền tại thời điểm phù hợp…Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện, nhiều bất cập của chính sách này vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung", đại biểu Trần Nhật Minh dẫn chứng và nhấn mạnh: Hiện, nhiều chính sách liên quan dân tộc miền núi được tổ chức triển khai chậm (như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi).

z4374936086964_759621ce7f6019265-1685039431870--n1.jpg
ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) phát biểu

Trên cơ sở đó, để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, đại biểu Trần Nhật Minh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện Kết luận số 65 ngày 20.10.2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới… Trong đó, đề nghị đặc biệt quan tâm chính sách giải quyết việc làm đối với thanh niên DTTS; có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người DTTS ít người, nhóm đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn.

“Khi đi TXCT miền Tây Nghệ An, bà con đồng bào cũng đề nghị nhiều về hai chính sách này; trong khi đó, theo Kết luận 65 có 4 chính sách chưa được thực hiện thì có 2 chính sách này... Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm nội dung này”, đại biểu đề nghị.

Tham gia phát biểu, đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách cho đồng bào DTTS và miền núi; kịp thời sửa đổi bổ sung những chính sách còn thiếu, chưa phù hợp; tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn vùng DTTS và miền núi, đặc biệt đường giao thông đến các trung tâm xã miền núi vùng sâu, vùng xã…

ĐBQH VÕ THỊ MINH SINH: Rà soát để nâng cao hiệu quả hoạt động các Quỹ

Thứ nhất, liên quan đến chính sách và nguồn bảo đảm chính sách, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng: Cần rà soát kỹ lại các chính sách; bởi, thời gian qua, nhiều chính sách đưa ra nhưng nguồn lực bảo đảm không có nên dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện.. Do đó, Chính phủ phải kiên quyết trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách đề án nghiệp vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; đồng thời, phải rà soát, dự kiến đầy đủ các nhu cầu kinh phí để thực hiện các chính sách trước khi trình văn bản thực hiện, có như vậy văn bản mới thực hiện thành công. Đồng thời, kiên quyết không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa được ban hành.

Thứ hai, về cải tạo phục hồi môi trường sau khi khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản. Đây là nội dung nếu nhìn lại sẽ rất đau xót, mặc dù có các quy định đóng cửa mỏ là phải “tiền môi trường”… nhưng thực tế đi giám sát, phản ánh ý kiến của Nhân dân thì hầu như những diện tích đất để sử dụng khai thác khoáng sản thì khi đóng cửa mỏ, gần như Nhân dân không làm được gì (kể cả trồng cây…). Do đó, cần phải rà soát, giám sát chặt chẽ nội dung này trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ.

z4374936926322_43fa5ea8d7e160e93-1685039478246--n1.jpg
ĐBQH Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) phát biểu

Thứ ba, về quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách, đại biểu cho biết, từ Quốc hội Khóa XIV đã có Nghị quyết 792 về vấn đề này; Chính phủ có Chỉ thị 22 năm 2015… Tuy nhiên, cần rà soát các loại quỹ này để nâng cao tính minh bạch, cũng như hiệu quả hoạt động của các Quỹ… Bởi thời gian gần đây, có nhiều ý kiến liên quan đến việc lập Quỹ này hay không? Hay không lập Quỹ? Có nhiều nội dung muốn lập quỹ nhưng quản lý như thế nào thì cần phải có rà soát các loại quỹ này trước đó và kể cả sau này để có văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất các nội dung này”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh lý giải.

Thứ tư, liên quan đến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Dẫn quy định tại Điều 6 của Luật (sửa đổi) ban hành các văn bản Quy phạm pháp luật: Khi trình các VBQP pháp luật thì phải kèm theo hồ sơ phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội… đại biểu cho rằng: Luật còn có nhiều bất cập. Cụ thể, khi các cơ quan soạn thảo trình các văn bản để tổ chức các Hội nghị phản biện xã hội thì không biết mình nằm trong bước nào?... Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cần có một văn bản thống nhất về các bước, quy trình để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, thì việc tổ chức Hội nghị phản biện xã hội này nằm ở bước nào trong quy trình này?

ĐBQH TRẦN ĐỨC THUẬN: Tăng cường phân tích, dự báo, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả

Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài Chính - Ngân sách về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023… đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng: Báo cáo Chính phủ đã bổ sung làm rõ kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2022 và có phân tích đánh giá tình hình, kết quả thực hiện cũng như hạn chế, vướng mắc và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển năm 2023. Còn trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, Ủy ban Tài Chính - Ngân sách đã chỉ ra mặt được và chưa được của Chính phủ… “Nếu triển khai thực hiện tốt các giải pháp của Chính phủ, và của các Ủy ban của Quốc hội đưa ra thì tin tưởng rằng, tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới sẽ phát triển tốt”, đại biểu bày tỏ.

z4374936065936_18993ff8cc6243a92-1685039527598--n1.jpg
ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) phát biểu

Tuy nhiên, nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra về Kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Trần Đức Thuận quan tâm hai vấn đề:

Thứ nhất, thu ngân sách của 2022 tăng hơn 403 nghìn tỷ đồng (tăng 28,6% so với kế hoạch). Đại biểu đặt vấn đề: Tại sao dự toán ngân sách lại để tăng quá mức như vậy? Điều này chứng tỏ đánh giá tình hình và dự báo các tình huống chưa sát, cho nên đề ra mức quá thấp… Trên cơ sở đó, đại biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là phải kiểm điểm mức độ tham mưu lập dự toán kế hoạch.

Thứ hai, liên quan đến số liệu báo cáo Chính phủ đưa ra, đại biểu Trần Đức Thuận đề nghị không “Đô la hóa” các chỉ số phát triển kinh tế trong báo cáo.

Về vấn đề giải ngân chỉ đạt 74,95%, đại biểu cho rằng: Cần phải đánh giá nguyên nhân do đâu? Nếu do cơ chế, chính sách thì cần tìm cơ chế, chính sách để giải quyết; còn nếu nguyên nhân do thiếu trách nhiệm trong lập hồ sơ dự án các công trình thì cần xem xét trách nhiệm ở đâu; còn trường hợp trách nhiệm đối với những cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm cũng phải có biện pháp để xử lý.

Liên quan đến giải pháp, nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2023, đại biểu đề nghị Chính phủ phải nắm chắc tình hình, tăng cường phân tích, dự báo, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp hiệu quả; không để bị động, bất ngờ cả về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh đối ngoại. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp để thu ngân sách (tinh thần của Quốc hội: Thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, không để xảy ra thất thoát);… Bên cạnh đó, nghiên cứu các lĩnh vực có chiều hướng thu giảm để có biện pháp kích cầu; phát triển lành mạnh thị trường trong nước; phát triển nhu cầu kích cầu nội địa, giải quyết việc làm; tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh, đẩy mạnh hiện đại hóa quốc phòng – an ninh…

ĐBQH HOÀNG MINH HIẾU: Phải có một đầu mối tiếp nhận phản ánh

Bày tỏ đồng tình báo cáo Chính phủ đã dành nhiều dung lượng đề cập đến công tác xây dựng hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần quan tâm mấy vấn đề:

Thứ nhất, một trong những nội dung được báo chí, dư luận đề cập nhiều trong thời gian qua là những “điểm nghẽn” về mặt thể chế trong phát triển kinh tế - xã hội… Đại biểu Hoảng Minh Hiếu đặt vấn đề: Kinh tế phát triển chậm trong 3 tháng qua, nguyên nhân chủ yếu do thể chế hay còn có nguyên nhân khác? Ví dụ, các “điểm nghẽn” về các dự án bất động sản, khi Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác xuống nhiều địa phương, nhiều thành viên trong tổ nói rằng: Các quy định pháp luật về cơ bản tương đối rõ ràng, “điểm nghẽn” ở đây không phải do quy định pháp luật mà do việc triển khai thực thi…

Những hội nghị gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, các dự án bất động sản 70% bị đình trệ do nguyên nhân về mặt pháp lý. Song, khi được hỏi: Luật nào mâu thuẫn với luật nào? Quy định nào mâu thuẫn với quy định nào?... thì nhận được câu trả lời chung chung, không rõ ràng, không xác định rõ “điểm nghẽn” nằm ở đâu… Dẫn ví dụ trên, đại biểu cho rằng: Nếu “không bắt được bệnh thì không thể nào chữa được bệnh”; đồng thời, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị trong báo cáo của Chính phủ cần có phân tích rõ ràng hơn; các cơ quan Quốc hội phải có một đầu mối thường trực và thường xuyên để tiếp nhận các phản ánh của doanh nghiệp và cử tri về những điểm mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực hiện Luật.

Hiện nay, các Ủy ban tập trung nhiều vào công tác xây dựng thể chế, nhưng việc tiếp nhận hầu như không có địa chỉ cụ thể để khi doanh nghiệp vướng mắc cần phản ánh thì không có… Từ góc độ trên, đại biểu đề xuất nên giao Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp nhận phản ánh của các doanh nghiệp và có trách nhiệm phân tích những phản ánh đó đúng và rõ ràng ở mức độ nào… để từ đó các cơ quan của Quốc hội đưa ra những giải pháp trong quá trình lập pháp, góp phần giúp hoàn thiện thể chế nhanh hơn.

z4374936075572_b08e7953a0ed60a9a-1685039581641--n1.jpg
ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu

Thứ hai, sau khi ban hành các văn bản luật, nên yêu cầu các cơ quan Nhà nước có hướng dẫn, bộ thủ tục hành chính để triển khai các dự án Luật… Ví dụ Luật Đất đai năm 2013, sau khi ban hành xong, mỗi địa phương hiểu một cách và thực hiện thủ tục hành chính theo các cách khác nhau; trong khi đó sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (bởi không hiểu là đến Sở Kế hoạch và Đầu tư trước, hay Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường trước…).

Thứ ba, cần thúc đẩy nhanh phản ứng chính sách trong quá trình xây dựng luật. Đơn cử, trong kỳ họp này, việc Chính phủ trình giảm thuế giá trị gia tăng - đây được coi là chính sách hỗ trợ cho việc phái triển kinh tế. Tuy nhiên, thời điểm trình tương đối muộn và sát kỳ họp… Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, phản ứng này được coi là rất chậm, gây lúng túng cho cả Quốc hội và Chính phủ. Trong khi đó, bắt đầu từ đầu năm 2023 đã có dấu hiệu kinh tế chậm lại, mà đến tận gần tháng 5 mới xây dựng chính sách…

Thứ tư, cần thay đổi quan điểm về cách làm Luật; xem xét lại quan điểm của nhiều đại biểu tại các cuộc thảo luận gần đây về việc các luật tuổi đời ngắn và tính ổn định không cao… Theo phân tích của đại biểu Hoàng Minh Hiếu thì tính ổn định của pháp luật không phải ở việc sửa đổi thường xuyên mà tính ổn định nằm ở chính sách cốt lõi của luật.

Thứ năm, Chính phủ cần có những quy định, chính sách phù hợp để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn (Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề cập). Song, xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chưa có những giải pháp chính sách rõ ràng thể hiện trong đạo Luật về nội dung này.

ĐBQH ĐẶNG XUÂN PHƯƠNG: Có giải pháp cụ thể để Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa nhanh chóng được triển khai

Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ĐBQH Đặng Xuân Phương đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ rất linh hoạt, sáng tạo, chủ động tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, với đánh giá của Chính phủ: “Chúng ta có thời cơ thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen nhưng rõ ràng khó khăn, thách thức nhiều hơn”, đại biểu cho rằng, đây là nhận định chính xác. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Xuân Phương cũng quan tâm các vấn đề sau:

Thứ nhất, thẳng thắn đi sâu vào từng nhóm giải pháp cụ thể của Chính phủ thời gian tới, đại biểu Đặng Xuân Phương bày tỏ băn khoăn việc đưa ra các biện pháp chỉ đạo điều hành, xử lý cụ thể có đồng bộ với nhau hay không? Có khắc phục được những nghịch lý hay không? Ví dụ, Chính phủ đặt ra những yêu cầu như: Vừa phấn đấu giảm lãi suất cho vay (doanh nghiệp khó khăn, nên kiến nghị giảm lãi suất cho vay), nhưng lại đặt ra yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng (nếu hạ lãi suất xuống thì rủi ro tín dụng xấu rất cao)… Hay như liên quan đến xuất khẩu, có thể thấy: Trải qua gần 3 năm dịch Covid-19, tổng cầu trên thế giới giảm, thu nhập của các hộ gia đình nói chung đều giảm; đặc biệt các nước phát triển như Mỹ phải áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát… Thực tế đó sẽ có xu hướng, nếu giảm lãi suất ngân hàng thì sẽ đặt ra thách thức dòng tiền trong nước, vốn đầu tư gián tiếp đổ ra nước ngoài, gây áp lực tỷ giá, nếu không cẩn thận sẽ vỡ tỷ giá… Từ đó, dẫn đến vốn đầu tư nước ngoài sẽ giảm.

z4377115461659_9e1a88a9c5e1e56e8-1685039969424-1.jpg

ĐBQH Đặng Xuân Phương (Nghệ An)

Thứ hai, về chất lượng công tác hoàn thiện thể chế, đại biểu cho rằng: Nếu xem xét về chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật thì cần đánh giá rõ vai trò của các đạo Luật có giá trị điều chỉnh như thế nào? Không thể nói đạo Luật nào cũng sửa đổi giống nhau. Bởi, không kể quy định của Hiến pháp ra thì các Luật đều có phân tầng, có những Luật cơ bản mang giá trị điều chỉnh, mang tính ổn định rất cao như: Luật Dân sự, Luật Hình sự… Do đó, khi xem xét về hoàn thiện thể chế thì cần phân vai rõ vai trò, chức năng, sứ mệnh của từng đạo luật khác nhau như thế nào? Có những luật điều chỉnh nhanh vì thuần túy chỉ đưa ra chính sách; nhưng có những luật phải tăng cường nâng cao chất lượng…

z4377115459703_a5d6172acd47ecfea-1685040049237--n1.jpg
Các ĐBQH Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tổ

Thứ ba, về khẩn trương hoàn thiện cơ chế khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm đùn đẩy, đại biểu Đặng Xuân Phương đánh giá là rất đúng. Song đại biểu đặt ra hàng loạt câu hỏi: Xử lý bệnh sợ sai bằng cách nào? Việc ban hành nghị định về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm liệu có giải quyết được vấn đề hay không? Bởi cán bộ công chức khi thực thi pháp luật là phải căn cứ vào luật; những vấn đề giải quyết liên quan đến quyền và nghĩa vụ lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là được điều chỉnh bằng quy định của luật… Vậy có một nghị định như vậy thì cán bộ có dám nghĩ, dám làm, dám tham mưu thật không?

Thứ tư, Chính phủ cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả cạnh tranh.

Thứ năm, liên quan đến nhóm nhiệm vụ giải pháp Chính phủ đề ra về khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về Phát triển văn hóa, đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng: Đây không phải là vấn đề mới, ngay tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua (năm 2022), nhiệm vụ này đã được Quốc hội đề ra và đưa vào Nghị quyết… Do đó, Chính phủ nên có các giải pháp cụ thể để Chương trình mục tiêu quốc gia về Phát triển văn hóa mà Quốc hội đã phê duyệt nhanh chóng được triển khai, chứ không nhắc lại nhiệm vụ Quốc hội đã đưa vào Nghị quyết.

Diệp Anh